Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp chủ động xây dựng kênh phân phối trái cây tại Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Đại diện chi nhánh thương vụ Việt Nam tại Nam Ninh (Trung Quốc) cho biết, hiện tại, một số lối mở biên giới với Trung Quốc vẫn chưa được thông quan, gây khó khăn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.
Doanh nghiệp Việt Nam cần khai thác cơ hội xuất khẩu qua cửa khẩu

Doanh nghiệp Việt Nam cần khai thác cơ hội xuất khẩu qua cửa khẩu

Chiều nay (31-10), Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị giao ban thương vụ nước ngoài.

Thông tin về hoạt động xuất khẩu của Việt Nam với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), đại diện chi nhánh thương vụ Việt Nam tại Nam Ninh cho biết, với vị trí địa lý thuận lợi cùng nhiều hình thức vận tải phong phú (đường bộ, đường biển, đường sắt và đường hàng không), Quảng Tây luôn là cửa ngõ quan trọng đối với hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước Việt – Trung.

Hạ tầng cửa khẩu phía Quảng Tây tiếp tục được chú trọng đầu tư mở rộng và nâng cấp theo mô hình cửa khẩu thông minh, góp phần nâng cao hiệu suất thông quan.

Bên cạnh đó, các địa phương biên giới các tỉnh biên giới Việt Nam với Quảng Tây thường xuyên duy trì các kênh trao đổi linh hoạt nhằm kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thông quan.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 tiếp tục tác động đến hoạt động thông quan hàng hóa với việc Quảng Tây. Chính quyền Quảng Tây tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch lây lan từ nước ngoài tại các cửa khẩu.

Một số lối mở biên giới vẫn chưa được khôi phục thông quan do chưa đáp ứng được các yêu cầu về phòng dịch; Tâm lý lo ngại của doanh nghiệp xuất nhập khẩu khi cửa khẩu có thể bị tạm dừng thông quan đột ngột cũng tác động đến việc lựa chọn hình thức và phương thức xuất khẩu.

Theo đại diện chi nhánh, hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới trên bộ của Quảng Tây vẫn tập trung nhiều vào hình thức trao đổi hàng hóa cư dân biên giới và chưa khai thác hết năng lực xuất khẩu nông sản thông qua hình thức thương mại chính quy qua cặp cửa khẩu Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan. Đây là những khó khăn chính khiến hoạt động thương mại hai chiều giữa Việt Nam- Trung Quốc gặp khó khăn hơn trong thời gian qua.

Để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này, đại diện chi nhánh cho rằng, trong bối cảnh nguồn ngân sách dành cho công tác xúc tiến thương mại còn hạn chế, cần xây dựng phương án có trọng tâm trọng điểm, tập trung vào 1 vài ngành hàng hoặc 1 vài nhóm mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa sang các nhóm hàng khác cùng loại.

Ví dụ, cân nhắc tập trung đẩy mạnh công tác xây dựng hình ảnh đối với trái sầu riêng và măng cụt Việt Nam (là 2 sản phẩm Trung Quốc không sản xuất được) thông qua tổ chức tuần hàng nông sản tại các khu vực tập trung đông người (như phố đi bộ), biên tập cẩm nang giới thiệu về lịch sử, văn hóa, ẩm thực... về sầu riêng, măng cụt... nhằm tạo thương hiệu hàng Việt, từ đó góp phần tạo hiệu ứng lan tỏa cho các mặt hàng trái cây khác của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc;

Xem xét có biện pháp khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu trái cây Việt Nam chủ động xây dựng kênh phân phối tại thị trường Trung Quốc;

Chi nhánh cũng khuyến nghị các địa phương Việt Nam nên tổ chức các hội nghị xúc tiến tiêu thụ hàng nông sản đặc thù địa phương tại các khu vực thị trường nằm sâu trong nội địa Trung Quốc nhằm thúc đẩy chuyển dịch xuất khẩu theo hình thức thương mại chính quy.

Ngoài ra, các địa phương có thể xem xét việc xây dựng các video ngắn quảng bá về thương hiệu, hình ảnh sản phẩm Việt bằng tiếng Trung trên các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc như Tiktok, wechat, weibo... để tăng cường quảng bá sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu.