Không nên tự ý cho trẻ uống thuốc

(ANTĐ) - Sự chủ quan, tự ý mua thuốc cho trẻ uống mà không đưa trẻ đi khám, lạm dụng thuốc đều có thể gây ra những hậu quả khó lường...

Không nên tự ý cho trẻ uống thuốc

(ANTĐ) - Sự chủ quan, tự ý mua thuốc cho trẻ uống mà không đưa trẻ đi khám, lạm dụng thuốc đều có thể gây ra những hậu quả khó lường...

Các bà mẹ có thói quen làm “bác sĩ” cho con mình nên cần cẩn thận trong việc dùng thuốc.

Ngộ độc vì tự điều trị

Bệnh viện Nhi năm nào cũng có bệnh nhân nhập viện nhẹ thì trong tình trạng đau bụng, nôn mửa, ra mồ hôi... nặng thì hôn mê, suy gan... do ngộ độc thuốc, nhiều trường hợp tử vong. Khi trẻ bị sốt, cảm cúm, gia đình thường quan niệm đó là loại bệnh nhẹ, cứ  ra hiệu mua thuốc về cho uống là khỏi mà không đưa trẻ đi khám ở các cơ sở y tế.

Phần lớn các ca ngộ độc thuốc là do ngộ độc Paracetamol. “Vì loại này được bán nhiều trên thị trường, người dân lại quan niệm nó là thuốc hạ sốt. Hơn nữa, hiện nay, nhiều chế phẩm thuốc có chứa Paracetamol, do vô tình hay không biết mà người mẹ cho con uống nhiều loại một lúc gây quá liều” - BS Tạ Anh Tuấn (Khoa Hồi sức cấp cứu - BV Nhi Trung ương) giải thích.

BS Tuấn cho biết thêm: “Với người bình thường chỉ cần 150mg/kg đã bị ngộ độc, còn đối với người có dấu hiệu về gan, mật chỉ cần trên 100mg/kg”. Nguy hiểm hơn, bệnh nhân bị ngộ độc thuốc rất khó phát hiện, tùy theo từng loại thuốc mà có những phản ứng khác nhau: Nôn, vã mồ hôi, đau bụng... gia đình thường không đưa trẻ đến các cơ sở y tế hay nhập viện ngay mà để ở nhà tự chữa tiếp.

“Có bệnh phải đi khám, uống thuốc phải theo đơn"
“Có bệnh phải đi khám, uống thuốc phải theo đơn"

Theo BS Tuấn, khi bệnh nhân bị ngộ độc thuốc ở mức độ nặng (suy gan, hôn mê, xuất huyết...) đa số dẫn đến tử vong, vì nếu không có chuyên môn cao sẽ nhầm tưởng là bệnh suy gan mà không nghĩ là ngộ độc thuốc nên không kịp thời giải độc.

Ngoài ra, việc bảo quản thuốc không cẩn thận trong gia đình cũng dễ dẫn đến việc ngộ độc thuốc cho trẻ nhỏ. Do những loại thuốc an thần thường có màu sắc bắt mắt nên trẻ em tưởng là kẹo.

Biểu hiện ngộ độc thuốc ở loại này thường ngủ li bì, có thể co giật. Bên cạnh việc tự ý cho con uống thuốc, việc các bà mẹ mua nhầm thuốc và cho con uống nhầm dẫn đến ngộ độc cũng đáng báo động. Có điều này là do tên thuốc thường rất khó đọc, khó nhớ, người này mách cho người kia làm sai lệch tên.

Việc ngộ độc thuốc không chỉ xảy ra ở trẻ em mà người lớn do quá lạm dụng những loại thuốc an thần, thuốc ngủ cũng dẫn đến ngộ độc. Tại Trung tâm Chống độc - BV Bạch Mai, lượng người bị ngộ độc thuốc có giai đoạn đứng hàng đầu chỉ sau ngộ độc thực phẩm, trong đó trẻ em chiếm từ 10-15%.

Chủ yếu do ngộ độc từ thuốc ngủ, thuốc an thần và hoạt chất Paracetamol. Tiến sĩ Phạm Duệ - Giám đốc Trung tâm Chống độc cho rằng: “Paracetamol là một hoạt chất điều trị giảm đau, hạ nhiệt, được sản xuất dưới dạng giảm đau, cảm cúm, người bệnh mua để tự điều trị vì loại thuốc này rất phổ biến.

Tuy vậy, người dân hiểu biết về y học còn hạn chế, những người bán thuốc một mặt không làm tròn nghĩa  vụ của người bán, mặt khác nhiều người không hiểu nhiều về y học”. Từ đó, TS  Phạm Duệ cũng đặt ra vấn đề quản lý thuốc hiện nay chưa chặt chẽ.

Bác sĩ nói gì?

“Phần lớn ngộ độc thuốc để lại hậu quả” - đó là lời khẳng định từ phía Bác sỹ, Tiến sĩ Lê Thanh Hải – Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương. TS. Hải cảnh báo: “Hậu quả trước mắt mà chúng ta thấy ngay đó là tính mạng bị đe dọa, còn với những loại thuốc kháng sinh, sử dụng không đúng sẽ tạo ra chủng vi khuẩn kháng thuốc trong cơ thể”.

Còn theo Tiến sĩ Phạm Duệ, tùy từng loại thuốc và mức độ bị ngộ độc sẽ để lại những hậu quả khác nhau. Như việc dùng quá liều Coticoit (thuốc kháng viêm) sẽ ảnh hưởng đến xương và có những thuốc để lại hậu quả về sự phát triển tinh thần và thể lực của trẻ em đặc biệt là thuốc an thần.

Việc phát hiện ra trẻ bị ngộ độc thuốc và sớm đưa đi BV là rất quan trọng, vì khi đã để nặng: Suy gan, suy thận, rối loạn tim mạch thì cơ hội sống là vô cùng nhỏ.

Do đó, lời khuyên từ  phía BS khi cho trẻ uống thuốc xong cần theo dõi cẩn thận, thấy dấu hiệu bất thường phải lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất, nói rõ thuốc đã dùng, liều lượng, không được tự ý dùng tiếp bất kỳ loại thuốc nào.

Mỗi gia đình nên có một tủ thuốc để bảo quản cẩn thận, không cho trẻ tiếp xúc với bất kỳ loại thuốc nào; thuốc nên để trong lọ, trong gói có tem, có nhãn để tránh nhấm lẫn; những loại thuốc quá hạn phải bỏ đi không tiếc mà để dùng tiếp.

Ngay cả với một số loại thuốc bổ cũng không nên tự ý mua cho con uống vì tuy ít nhưng nó vẫn có hại nếu không được dùng đúng cách. Đi đôi với việc khuyến cáo, TS Phạm Duệ còn đặc biệt nhấn mạnh: “Bộ Y tế cần phải có những biện pháp mạnh hơn, trọng tâm vào quá trình phân phối thuốc tại các cửa hàng. Việc tuyên truyền về an toàn thuốc trong toàn dân cần đẩy mạnh, làm sao cho người dân luôn tâm niệm “có bệnh phải đi khám”, “uống thuốc phải theo đơn của bác sỹ”.

Ngân Tuyền