Không để xảy ra tình trạng đứt gãy cục bộ nguồn cung than, điện, xăng dầu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu 3 tập đoàn năng lượng lớn là: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) không được để đứt gãy nguồn cung, kể cả đứt gãy cục bộ.
Giá than tăng mạnh trong năm 2022

Giá than tăng mạnh trong năm 2022

Chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương được đưa ra tại buổi làm việc với 3 tập đoàn, nhằm bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn và tăng cường hợp tác.

Theo ông Nguyễn Hồng Diên, các tập đoàn đang phải đối mặt với những thách thức, khó khăn chưa từng có và hết sức dị biệt trong thời gian qua xuất phát từ những mâu thuẫn địa chính trị trên thế giới, khủng khoảng năng lượng dẫn đến giá nhiên liệu đầu vào cho các ngành năng lượng tăng cao…

Tuy nhiên, “trong mọi tình huống, các tập đoàn phải bảo đảm đủ nguồn cung về năng lượng (than, điện, xăng dầu), phục vụ phát triển kinh tế đất nước và sinh hoạt của người dân, không được để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung (kể cả việc thiếu hụt, đứt gãy cục bộ)”- Bộ trưởng Công Thương nhấn mạnh.

Để làm được điều đó các tập đoàn cần nghiên cứu kỹ để báo cáo, đề xuất với các cấp có thẩm quyền để có chỉ đạo giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của tập đoàn.

Liên quan đến kiến nghị của các tập đoàn đối với Bộ Công Thương, Bộ trưởng đã có ý kiến chỉ đạo cụ thể, tập trung tháo gỡ các vấn đề về đầu tư xây dựng, giá điện và giá nhiên liệu cho sản xuất điện, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp…

Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng chỉ đạo EVN, PVN, TKV cần chú trọng hơn nữa đến việc tăng năng suất lao động, đổi mới sáng tạo, giải quyết tốt mối quan hệ giữa giá nguyên/nhiên liệu đầu vào với giá sản phẩm đầu ra phù hợp với quy luật thị trường và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Năm 2022, những diễn biến khó lường của tình hình thế giới cùng những yếu tố chủ quan trong nước đã khiến cung ứng than cho điện bị thiếu hụt vào nhiều thời điểm.

Tương tự, nguồn cung ứng xăng dầu cho thị trường bị gián đoạn nhiều lần kể từ đầu tháng 2-2022 đến cuối năm. Chi phí sản xuất, kinh doanh điện tăng cao hiện cũng khiến EVN khó thu xếp về tài chính để đầu tư cho các dự án điện, nên nguy cơ thiếu điện ngày càng hiện hữu. Hiện EVN đang đề xuất được tăng giá điện sau gần 4 năm giữ nguyên giá dù chi phí sản xuất đã tăng mạnh.

Đối với xăng dầu, trước những bất cập của những quy định hiện hành về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến cho dự thảo sửa đổi các quy định này, nhằm góp phần ổn định thị trường.