Không dễ chủ động

ANTĐ - Không xã giao kiểu “Bóng đá Việt Nam rất có tiềm năng” như phát biểu nhậm chức của HLV Falko Goetz; không huyễn hoặc người hâm mộ kiểu: “Tôi sẽ thổi hồn vũ điệu samba vào lối chơi ĐT Việt Nam” của HLV Dido; cũng không viển vông như HLV Hoàng Văn Phúc: “ĐT Việt Nam sẽ đá tiki-taka như Barca”… tân HLV Miura đầy khiêm tốn và thực tế trong ngày ra mắt: “Tôi chưa biết nhiều về bóng đá Việt Nam. Tôi sẽ phải xem các cầu thủ đá, ghi chép và theo dõi rồi mới quyết định chọn ai, áp dụng lối chơi nào cho đội”.

Đáng chú ý hơn, đa số các HLV ngoại trước đây đều bị động trong việc tuyển chọn cầu thủ bởi hầu hết đều được (và chấp nhận việc) VFF ấn vào tay bản danh sách nhân sự có sẵn, theo kiểu “có gì ăn nấy”, riêng ông Miura chủ động yêu cầu VFF cung cấp danh sách cầu thủ với đầy đủ các thông số kỹ thuật một cách khắt khe nhất, đồng thời tới tận sân trực tiếp “xem giò” cầu thủ. “Tôi muốn đứng ở vị thế trung lập để đánh giá cầu thủ. Điều đó giúp tôi đánh giá chính xác nhất về năng lực từng người trước khi đưa ra quyết định nào đó”, ông Miura nêu quan điểm.

Có cảm giác ông Miura muốn tự làm chủ chiếc ghế mà mình đang ngồi chứ không chờ người khác “bắt tay chỉ việc” để rồi luôn bị động và gánh thất bại thảm hại như nhiều người tiền nhiệm. 

Những thể hiện vừa qua ít nhiều khẳng định cái TÔI đầy cá tính của tân HLV trưởng. Và thực tế, ĐT Việt Nam đang rất cần những làn gió mới như thế để lột xác. Có điều, không dễ để ông Miura tạo dựng và khẳng định cái TÔI của mình ở một môi trường bóng đá vốn luôn tiềm ẩn những cơn sóng ngầm.