Không còn là bóng ma

(ANTĐ) - Chính vào lúc thế giới đang cần chung tay vượt qua “cơn bão” khủng hoảng toàn cầu, thì những “rào cản” thương mại lại đang dựng lên bức tường vô hình ngăn cách các quốc gia, bóp nghẹt cơ hội phát triển.

Không còn là bóng ma

(ANTĐ) - Chính vào lúc thế giới đang cần chung tay vượt qua “cơn bão” khủng hoảng toàn cầu, thì những “rào cản” thương mại lại đang dựng lên bức tường vô hình ngăn cách các quốc gia, bóp nghẹt cơ hội phát triển.

Các rào cản thương mại tác động đến giao lưu thương mại toàn cầu
Các rào cản thương mại tác động đến giao lưu thương mại toàn cầu

Báo cáo của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) gửi các nước thành viên ngày 1-7 cảnh báo “Thế giới tiếp tục trượt theo hướng áp dụng thêm các chính sách hạn chế và bóp méo thương mại”. Theo số liệu của WTO, trong 3 tháng qua, 24 nước trên thế giới và Liên minh châu Âu đã đưa ra thêm 83 biện pháp hạn chế thương mại. Số các biện pháp bảo hộ thương mại cao gấp đôi các biện pháp tự do hóa thương mại.

Cuối năm ngoái, khi nhóm G-20 tập hợp những nước có tiềm lực kinh tế đưa ra các chương trình cứu trợ lên tới hàng nghìn tỷ USD để đối phó với nguy cơ suy thoái, các chuyên gia kinh tế đã cảnh báo rằng những biện pháp hạn chế đi kèm với các chương trình này có thể làm tái hiện chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch. Nhiều người còn ví nguy cơ đó như bóng ma với tương lai thoát khỏi khủng hoảng của nền kinh tế thế giới. 

Nay thì điều đó đã bắt đầu hiển hiện. Trên quy mô toàn cầu, dự báo kim ngạch thương mại thế giới năm nay sẽ giảm trên 10%. Theo Tổng giám đốc WTO P. Lamy, đây là mức giảm mạnh chưa từng thấy, phản ánh sự sụt giảm cả cung lẫn cầu trên thế giới. Kim ngạch thương mại của Trung Quốc sụt giảm liên tiếp trong 6 tháng vừa qua. Giá trị xuất khẩu của Nhật Bản cũng đã lập kỷ lục suy giảm với mức âm 49,4%. Kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc giảm tới hơn 30% trong những tháng đầu năm.

Đây là hệ quả tất yếu từ chính sách cho rằng trong thời khủng hoảng cần cản trở nhập khẩu từ nước ngoài để khuyến khích người dân tiêu dùng hàng nội địa, qua đó sẽ khuyến khích sản xuất trong nước, giúp nền kinh tế tránh khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế. Thế là trong khi người Mỹ đưa ra yêu cầu tất cả các dự án cơ sở hạ tầng dùng tiền từ kế hoạch cứu trợ của chính phủ phải sử dụng sắt và thép sản xuất tại Mỹ, thì người Trung Quốc đưa ra quy định nhằm đảm bảo khoản tiền 585 tỷ USD trong gói kích thích kinh tế có lợi cho các doanh nghiệp trong nước, còn châu Âu cũng không chịu chậm chân.

Khi ai cũng muốn “kín cổng, cao tường” thì cái giá phải trả là thương mại toàn thế giới sụp đổ. Dù vẫn còn nhiều tranh cãi nhưng phần lớn các nhà kinh tế đều thừa nhận rằng, tương quan giữa những tác hại và lợi ích của chủ nghĩa bảo hộ thương mại là 2:1, nghĩa là tác động xấu nhiều hơn gấp đôi so với những lợi ích nó mang lại cho từng quốc gia. Thực tế thì đã rõ: con số thống kê cho thấy sự thụt giảm mạnh của thương mại toàn cầu kể từ thời điểm kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ II trở lại đây, đặc biệt tại các quốc gia công nghiệp phát triển.

Không quy kết hoàn toàn trách nhiệm của tình trạng này là do chủ nghĩa bảo hộ nhưng rõ ràng những rào cản thương mại đang làm trầm trọng thêm tình hình vốn đã tồi tệ do suy thoái kinh tế thế giới gây ra. Nó đã trở thành vật cản chống lại những nỗ lực của toàn thế giới vượt qua những khó khăn hiện nay.

  Hoàng Sơn