Khởi nghiệp thế nào để thành doanh nghiệp tỷ đô?

ANTD.VN - Xung quanh một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam, lại hoạt động trong lĩnh vực có sự cạnh tranh khốc liệt từ cả doanh nghiệp trong và ngoài nước là nước giải khát, câu chuyện về Tân Hiệp Phát chưa bao giờ khiến bạn đọc thôi tò mò. Tân Hiệp Phát có được thành công ngày hôm nay bắt nguồn từ đâu? Sao ông chủ của họ giỏi như vậy? Họ đã khởi nghiệp như thế nào? 

Tân Hiệp Phát đã sở hữu những dây chuyền sản xuất hiện đại trị giá hàng trăm triệu USD và là biểu tượng, là động lực cho không ít doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vươn lên

Ông Trần Quí Thanh - người sáng lập đồng thời là Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát không ngần ngại, thậm chí còn rất cởi mở trước những bí mật không dễ chia sẻ về doanh nghiệp của mình.

Từ cơ sở sản xuất nhỏ đến doanh nghiệp tỷ đô

Năm 1976, ông Trần Quí Thanh (23 tuổi), tốt nghiệp trường Đại học Bách khoa TP.HCM, chuyên ngành Cơ khí. Như nhiều bạn bè đồng trang lứa, ông Trần Quí Thanh vào làm việc cho một cơ quan của Bộ Cơ khí - Luyện kim theo đúng chuyên ngành được đào tạo. Cùng lúc đó, tận dụng thời gian rảnh rỗi, ông Trần Quí Thanh tham gia sản xuất men bánh mì.

Người sau này sáng lập ra Tân Hiệp Phát cho hay: “Công việc sản xuất men bánh mì coi như một kiểu khởi nghiệp tự làm chủ của tôi. Lúc đó lĩnh vực sản xuất này rất nhiều cơ hội như: thị trường khó khăn, đất nước trong thời kỳ cấm vận nên bột mì khan hiếm, men bánh mì cũng ít do nhập khẩu khó khăn. Một số anh em cùng tham gia sản xuất, tôi thấy có cơ hội thì tham gia, mặc dù rủi ro rất nhiều”.

Từ một cơ sở sản xuất nhỏ quy mô địa phương, Tân Hiệp Phát đã ra đời và ngày càng lớn mạnh. Dấu mốc đáng nhớ trong hành trình hơn 23 năm hoạt động của doanh nghiệp này có thể kể đến là khi người tiêu dùng biết đến Tân Hiệp Phát nhiều hơn. Đó là năm 2002, khi nước uống Number One ra đời. Tiếp đó, năm 2006, Trà xanh 0 độ được tung ra và nhanh chóng dẫn đầu thị trường.

Năm 2009, nước uống Dr Thanh - sản phẩm nước uống nguồn gốc thiên nhiên, độc tôn của Tân Hiệp Phát, rất phù hợp với khẩu vị của người tiêu dùng và có lợi cho sức khỏe được giới thiệu. Từ một cơ sở sản xuất nhỏ, Tân Hiệp Phát đã đánh bại những tên tuổi lớn trên thế giới trong ngành nước giải khát như: Coca Cola, Pepsi… và trở thành doanh nghiệp quy mô lớn với hàng trăm nghìn lao động. Tân Hiệp Phát đã sở hữu những dây chuyền sản xuất hiện đại trị giá hàng trăm triệu USD và là biểu tượng, là động lực cho không ít doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vươn lên.

Hãy hiểu khởi nghiệp là làm cái mới, tạo một giá trị mới đóng góp cho xã hội. Còn đối với những người không có gì đột phá, không sở hữu sản phẩm sáng tạo hay mô hình dịch vụ độc đáo, thì hãy lập nghiệp bình thường như bao người khác, như vậy cũng tốt cho bản thân và góp phần xây dựng xã hội. Hãy “định vị” mình là ai trước khi khởi nghiệp”.

Tất nhiên, con đường khởi nghiệp không trải thảm đỏ hay hoa hồng, doanh nghiệp này từng thất bại nhiều lần, lỗ vốn hàng trăm triệu USD, khủng hoảng truyền thông trầm trọng, nhưng ông chủ Tân Hiệp Phát cho hay: “Với tinh thần cầu thị và minh bạch, với Tân Hiệp Phát, không có gì là không thể!”. 

Khởi nghiệp: Cần chắc, chưa cần phải nhanh!

Trong một chương trình về khởi nghiệp mới đây, không ít bạn trẻ chia sẻ: “Muốn làm chủ ngay từ khi ra trường, vì khi đó bản thân đang nhiều khát khao, hoài bão, khí thế sục sôi. Nếu làm thuê cho một đơn vị nào đó, rất khó để thực hiện khát vọng của bản thân”. Ý kiến khác lại cho rằng: “Muốn làm chủ vì được tự chủ về tài chính, được làm những thứ mình thích”. Tuy nhiên, có bạn trẻ lại cho rằng muốn làm thuê trước bởi khởi nghiệp không hề dễ dàng với bất kỳ ai.

Khi được hỏi về quan điểm của mình trước suy nghĩ của các bạn trẻ, Dr. Thanh cho hay: “Các bạn trẻ có lý do của họ, nếu là tôi thì tôi vẫn muốn mình sẽ bắt đầu đi làm chủ một công việc do người khác bỏ vốn. Nói cách khác, chúng ta đi mua kinh nghiệm cho mình bằng vốn của người khác vì khi đó chúng ta còn quá thiếu kinh nghiệm. Nếu có điều kiện và được làm lại, tôi vẫn nghĩ nếu được đi với người khác bằng trí tuệ và công sức của mình là lý tưởng nhất. Nếu được như thế, có lẽ giờ tôi còn đi xa hơn. Nhưng lúc đó tôi không có cơ hội nên phải tự sáng lập”.

Theo ông Trần Quí Thanh, nếu khởi nghiệp chỉ là bỏ vốn thì rủi ro rất cao. Đây cũng là lý do vì sao hơn 90% dự án khởi nghiệp tại Việt Nam thất bại. Nôn nóng làm chủ rất dễ khiến startup hứng chịu thất bại. Thế nên, mặc dù là con đường dài, tốn thời gian, nhưng “khởi nghiệp từ người làm công, chứ không phải là người góp vốn, thì sẽ đi được dài hơi hơn”.

Đừng “cố sống, cố chết để làm một ông chủ” 

Thương trường là chiến trường! Ở đó luôn có đầy thử thách, nhiều đối thủ, buộc người kinh doanh phải hy sinh. Sau quá nhiều thất bại đến mức không thể nhớ hết mà đếm xuể, người sáng lập của Tân Hiệp Phát chia sẻ: “Thất bại luôn là mẹ của thành công, vì sau đó ta sẽ học được gì đó. Thất bại kế tiếp sẽ không lặp lại như cũ mà theo cách khác. Với người làm kinh doanh thì sau marketing, ta có thể gặp phải thất bại về sản phẩm. Nếu vượt qua, ta có thể gặp phải định giá sai sản phẩm, khiến ta không có cơ hội mà làm lại. Sau nữa, làm thế nào để tạo độ phủ trên thị trường. Ngoài ra còn khủng hoảng truyền thông, khuyến mãi…”.

Từ kinh nghiệm thực tế, ông Trần Quí Thanh khẳng định: “Tiên phong là nguy hiểm. Trong khi vốn liếng ít ỏi, cổ đông muốn chia lãi, giai đoạn đầu không dễ có lãi, chỉ chia cổ tức thôi là đã âm vốn. Vậy nên nếu không có kinh nghiệm mà muốn ra đầu tư góp vốn, mua sắm thiết bị… làm chủ một cách trọn vẹn thì đó cũng là kinh doanh mạo hiểm. Khởi nghiệp có kỹ năng và tài năng thôi là chưa đủ. Kinh doanh cần rất nhiều yếu tố, trong đó có cả những khó khăn do đối thủ mạnh giỏi hơn ta”.

Trong bức thư trả lời bạn đọc mới đây, Dr. Thanh cho rằng, không mấy người hiểu được khởi nghiệp một cách đúng đắn. “Khởi nghiệp không phải là lao ra thành lập một công ty buôn bán, làm ăn, cố sống cố chết làm một ông chủ. Cực kỳ sai lầm” - ông chủ Tân Hiệp Phát nói.

Muốn khởi nghiệp cần có một sự chuẩn bị về bản thân, tích lũy đầy đủ tiêu chuẩn, chuẩn mực, bài bản. Cách kêu gọi khởi nghiệp hiện nay mang tính phong trào hơn là trọng thực chất, một người khởi nghiệp thành công còn hơn vạn người khởi nghiệp mà chẳng nên cơm cháo gì. Để điều hành một doanh nghiệp, cần có những kiến thức, kinh nghiệm về quản trị kinh doanh, hiểu biết pháp luật căn bản.

Vì vậy, các bạn trẻ cần đi làm ở một doanh nghiệp, vừa làm việc, được nhận lương, lại vừa học tập từ thực tế, đúc kết kinh nghiệm cho mình, cái đó đã là bắt đầu cho một sự khởi nghiệp. Nhưng điều quan trọng nhất là cần có sáng kiến, có cái mới, sản phẩm, mô hình dịch vụ độc đáo, những thứ chưa ai làm hoặc cùng loại sản phẩm, dịch vụ nhưng khác biệt về chất lượng thì mới có cơ hội khởi nghiệp thành công.

Nói cách khác, Dr. Thanh thực sự cho rằng: “Còn ra mở quán cà phê, quán ăn như bao nhiêu người khác, cũng tốt thôi, nhưng đó là công việc bình thường như bao nhiêu người khác, chẳng có gì khác biệt để ồn ào khởi nghiệp. Hãy hiểu khởi nghiệp là làm cái mới, tạo một giá trị mới đóng góp cho xã hội. Còn đối với những người không có gì đột phá, không sở hữu sản phẩm sáng tạo hay mô hình dịch vụ độc đáo, thì hãy lập nghiệp bình thường như bao người khác, như vậy cũng tốt cho bản thân và góp phần xây dựng xã hội. Hãy “định vị” mình là ai trước khi khởi nghiệp”.