Khoảnh khắc lính cứu hộ Syria bật khóc khi cứu bé gái 1 tháng tuổi

ANTD.VN - Một nhân viên cứu hộ Syria đã bật khóc khi anh giải cứu được bé gái 30 ngày tuổi từ đống đổ nát, sau một trận không kích tại thành phố Idlib, Syria hôm 29-9.

 Video lính cứu hộ Syria bật khóc khi giải cứu bé gái 1 tháng tuổi

Đoạn video được quay lại trong khoảnh khắc hỗn loạn, chết chóc mang lại cho hàng triệu người xem nhiều cảm xúc.

Theo Dailymail, nhân viên cứu hộ Syria, Abu Kifah, 29 tuổi cùng đồng đội đã làm việc trong hơn 2 tiếng đồng hồ, tuyệt vọng đào bới đống gạch đá của tòa nhà bị bom đánh sập bằng tay không để tìm kiếm những người mất tích.

Abu Kifah nước mắt giàn giụa, ôm chặt bé gái 1 tháng tuổi vào lòng

Sau nhiều nỗ lực, Abu Kifah đã tìm thấy Maartouk - bé gái 1 tháng tuổi nằm yếu ớt trong đống đổ nát, bụi đất lẫn máu bao phủ cả thân người của cô bé.

Người lính cứu hộ đã ôm bé gái vào ngực, nhanh chóng leo lên xe cứu thương, chuyển bé đến một trong những bệnh viện đông đúc khủng khiếp tại Syria.

Người đàn ông mạnh mẽ cũng phải bật khóc vì khoảnh khắc đau lòng này

Khoảnh khắc ấy được ghi lại trong tiếng mọi người la hét, thúc giục khẩn trương, tiếng còi xe cấp cứu và những tiếng bật khóc sùi sụt của chính người đàn ông dũng cảm Abu Kifah.

Đoạn video nhanh chóng được truyền đi rộng rãi trên khắp thế giới, nhiều tờ báo lớn cũng đăng tải những hình ảnh này để nhắc lại nỗi đau mà dân thường Syria, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ vùng chiến sự phải chịu đựng.

Khoảnh khắc lính cứu hộ Syria bật khóc khi cứu bé gái 1 tháng tuổi ảnh 3

Các cuộc không kích nghi ngờ từ Nga và Syria tại thành phố Idlib hôm 29-9 khiến 11 người thiệt mạng, trong đó có 7 trẻ em

Nó đã khiến Kate Silverton - một biên tập viên của BBC bật khóc ngay trên sóng truyền hình khi đưa tin về điều này. Silverton đã lý giải sự cố của cô lên Twitter rằng dù tính chất công việc đòi hỏi phải nghiêm túc nhưng cô cũng là một con người có cảm xúc.

Chỉ sau một đêm, Abu Kifah đã trở thành người anh hùng nổi tiếng trên khắp mạng xã hội thế giới. Trả lời phỏng vấn Dailymail, Abu Kifah nói rằng khi xem lại khoảnh khắc đó anh vẫn rơi nước mắt.

Khoảnh khắc lính cứu hộ Syria bật khóc khi cứu bé gái 1 tháng tuổi ảnh 4

Biên tập viên của BBC cũng bật khóc ngay trên sóng truyền hình

“Tôi luôn che giấu cảm xúc của mình nhưng hôm đó thực sự tôi đã thất bại. Dù là một người đàn ông mạnh mẽ nhưng trong tình huống ấy, tôi vẫn không giấu nổi cảm xúc”.

Abu Kifah cũng bày tỏ hy vọng rằng khoảnh khắc đó sẽ khiến phương Tây hiểu được nổi khổ của những người dân thường Syria.

Abu Kifah là thành viên của lực lượng Phòng vệ Dân sự Syria, hay còn gọi là nhóm cứu hộ Mũ bảo hiểm trắng (White Helmets) từ năm 2013. Lực lượng này làm nhiệm vụ cứu hộ, tìm kiếm người mất tích sau các trận không kích tại các khu vực dân sự.

Bé gái Maartouk đang được điều trị trong bệnh viện

Dưới sự giúp đỡ của chính phủ Anh, nhóm cứu hộ này đã cứu được hơn 60.000 người và đang được đề cử giải Nobel Hòa bình thế giới.

Tuy nhiên, họ cũng đối mặt với hàng loạt hiểm nguy trong nhiệm vụ cao cả của mình. Hơn 145 thành viên của lực lượng đã bị giết chết trong khi làm nhiệm vụ kể từ năm 2013. Một số lượng lớn các văn phòng của họ cũng bị phá hủy trong các cuộc không kích và tấn công nghi ngờ từ lực lượng chính phủ Syria.

Cuộc chiến dai dẳng tại Syria đã giết chết hơn 300.000 sinh mạng, trong đó có nhiều trẻ em vô tội

Dù vậy, với những người lính như Abu Kifar, anh nói rằng những khoảnh khắc như lúc giải cứu bé gái 1 tháng tuổi Maartouk đã thúc đẩy họ làm việc chăm chỉ hơn, bất chấp sự nguy hiểm có thể gặp phải.

Hiện tại, tình trạng của bé gái Maartouk đã ổn định trong bệnh viện. Ngoài Maartouk, Abu Kifar cũng giải cứu thêm được 1 phụ nữ và 2 trẻ em khác.

Một bé trai được điều trị trong bệnh viện Syria, các nhóm nhân quyền và Liên Hợp Quốc cảnh báo Aleppo đang bị biến thành nhà mồ lớn nhất thế giới trước các cuộc không kích tại Syria

Theo Đài Quan sát Nhân quyền Syria, ít nhất 11 dân thường, trong đó có 7 trẻ em đã bị giết chết trong các cuộc tấn công vào thành phố Idlib hôm 29-9.

Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) đã đổ lỗi cho các cuộc không kích của Syria và đồng minh gây nên nỗi đau cho hàng triệu người nước này. “Bom được trút xuống từ các máy bay của Syria, họ đã biến Aleppo trở thành một nhà mồ lớn nhất thế giới”, ông Xisco Villalonga, người đứng đầu tổ MSF cho biết.

Các nhóm giám sát khác cùng hàng loạt tổ chức nhân quyền quốc tế đã kêu gọi chính phủ Syria và đồng minh Nga ngừng ném bom vào Aleppo, cảnh báo họ đang gây ra một cuộc “tắm máu” cho dân thường trong thành phố.