"Kho vàng" ASIAD hơn 1.600 chiếc và nốt trầm thể thao Trung Quốc

ANTD.VN - Suốt 7 thập kỷ tham dự ASIAD, thể thao Trung Quốc thống trị với hơn 1.600 huy chương vàng nhưng vẫn mòn mỏi chờ đợi chức vô địch đầu tiên môn bóng đá nam.

Đại hội thể thao châu Á (ASIAD) lần đầu tổ chức tại Ấn Độ năm 1951 nhưng phải tới Á vận hội năm 1954, thể thao Trung Quốc mới góp mặt.

Từ 2 huy chương vàng và thứ hạng 6/13 ở kỳ đại hội đầu tiên, đất nước hơn 1 tỉ dân này nhanh chóng thăng tiến, khẳng định vị thế số 1 tại đấu trường ASIAD.

Thể thao Trung Quốc thống trị ASIAD với tổng cộng hơn 1.600 huy chương vàng

Thể thao Trung Quốc thống trị ASIAD với tổng cộng hơn 1.600 huy chương vàng

Thống kê sau 17 kỳ đại hội góp mặt (tính từ 1954 tới 2018), thể thao Trung Quốc dẫn đầu bảng tổng sắp huy chương với tổng cộng 1.473 huy chương vàng, bỏ xa đoàn xếp nhì là Nhật Bản (1.032 huy chương vàng) và gấp đôi đoàn xếp thứ ba là Hàn Quốc (745 huy chương vàng).

Tại ASIAD 2023 đang diễn ra trên sân nhà, thể thao Trung Quốc đã vượt mốc 1.600 huy chương vàng trong bối cảnh kỳ đại hội lần thứ 19 còn 5 ngày thi đấu chính thức nữa mới khép lại.

Không ai có thể phủ nhận vị thế số 1 của thể thao Trung Quốc tại đấu trường châu Á. Thế nhưng ở riêng địa hạt bóng đá nam, Trung Quốc lại chưa một lần vô địch.

Thành tích tốt nhất của đội bóng đá nam Trung Quốc tại ASIAD là ngôi á quân năm 1994, cùng 2 lần huy chương đồng (1978, 1998).

Olympic Trung Quốc (áo đỏ) bị loại sau trận thua Hàn Quốc ở tứ kết ASIAD 19

Olympic Trung Quốc (áo đỏ) bị loại sau trận thua Hàn Quốc ở tứ kết ASIAD 19

Xét về tổng thành tích bóng đá nam ASIAD, Trung Quốc chỉ xếp hạng 12, sau 11 quốc gia đã từng vô địch gồm Hàn Quốc (5 lần), Iran (4), Ấn Độ, Myanmar, Đài Bắc Trung Hoa (cùng 2 lần), CHDCND Triều Tiên, Nhật Bản, Iraq, Qatar, Uzbekistan (cùng 1 lần); và xếp trên các đội từng á quân là Ả Rập Xê Út, UAE, Israel nhờ hơn số huy chương đồng.

Sau 7 thập kỷ mòn mỏi, bóng đá Trung Quốc rất kỳ vọng tấm huy chương vàng đầu tiên môn bóng đá nam tại ASIAD 19 trên sân nhà. Thế nhưng, tất cả sớm chấm dứt sau trận thua 0-2 trước Hàn Quốc tại tứ kết.

Sohu Sport cay đắng chỉ ra đội nhà không có nổi cú sút trúng đích nào về khung thành Hàn Quốc, phải chơi với 5 hậu vệ để hạn chế bàn thua, tâm lý bất ổn và sai sót xảy ra suốt trận... để thấy sự lép vế hoàn toàn của đội nhà trước đại diện top đầu châu Á.

Thêm một kỳ Á vận hội lỡ hẹn, thể thao Trung Quốc vẫn phải tiếp tục hành trình đi tìm tấm huy chương vàng đầu tiên môn bóng đá nam, trong bối cảnh đã thừa thãi "vàng" ở các môn còn lại.

Trái ngược với thành tích khiêm tốn của bóng đá nam, bóng đá nữ Trung Quốc dẫn đầu bảng vàng ASIAD với 3 lần vô địch liên tiếp (1990, 1994, 1998), 2 lần á quân (2002, 2018) và 1 huy chương đồng (2006).

Tuy nhiên trước sự tiến bộ của bóng đá nữ CHDCND Triều Tiên (vô địch 2002, 2006, 2014) và Nhật Bản (vô địch 2010, 2018), tuyển nữ Trung Quốc phải chật vật đi tìm lại vị thế số 1 suốt 25 năm.

Ngày 3-10, tuyển nữ Trung Quốc sẽ chạm trán đương kim vô địch Nhật Bản tại bán kết.

Nếu trắng tay ở cả bóng đá nam và nữ, ASIAD 19 có lẽ sẽ khó thể trọn vẹn với chủ nhà Trung Quốc.