Khó tiếp cận tài chính, doanh nghiệp chưa khai thác hết cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với các thị trường có Hiệp định thương mại tự do (FTA) tăng mạnh nhưng doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về tài chính.
Xuất khẩu thủy sản tăng trưởng trở lại nhờ có tín dụng ưu đãi

Xuất khẩu thủy sản tăng trưởng trở lại nhờ có tín dụng ưu đãi

Bà Nguyễn Thị Lan Phương - Phó Trưởng phòng WTO và FTA, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết, quá trình thực thi các FTA đã mang lại một số kết quả tích cực.

Cụ thể, về xuất nhập khẩu trong năm 2022, Hiệp định CPTPP đã ghi nhận kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước CPTPP hơn 104 tỉ USD và thặng dư ở mức 11 tỉ USD đối với các thị trường mà chúng ta lần đầu có FTA như: Canada, Mexico, Peru.

Kim ngạch thương mại với EU cũng ghi nhận 62,24 tỉ USD và thặng dư trên 31 tỉ USD. Với thị trường Vương quốc Anh, Việt Nam có kim ngạch thương mại 6,8 tỉ USD và thặng dư trên 56 tỉ USD.

Sang năm 2023 do bối cảnh kinh tế, địa chính trị trên thế giới có rất nhiều khó khăn, sức mua của người tiêu dùng trên thế giới suy giảm song các FTA vẫn đóng góp tích cực cho hoạt động xuất nhập khẩu.

Chẳng hạn, Hiệp định CPTPP trong 8 tháng đầu năm mang lại kim ngạch ở mức 63 tỉ USD và Việt Nam thặng dư 3,3 tỷ USD. Với EU, con số lần lượt là 38,5 tỉ USD và thặng dư là 9,5 tỉ USD.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Lan Phương, quá trình tận dụng FTA vừa qua cho thấy còn rất nhiều tồn tại cần được tháo gỡ.

Thứ nhất, tỉ trọng xuất khẩu của Việt Nam tại các thị trường FTA còn rất là khiêm tốn. Ví dụ, như năm 2022 thì tỉ trọng của xuất khẩu sang EU trong tổng xuất khẩu chung chỉ đạt khoảng 12%.

Thứ hai, tỷ lệ tận dụng FTA tại các thị trường đối tác FTA của Việt Nam cũng còn chưa đạt được kỳ vọng. Ví dụ như với EU, dù là thị trường được đánh giá tỷ lệ tận dụng tương đối cao cũng chỉ đạt ở mức khoảng 26 %.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đang tận dụng được tốt các FTA phần lớn là doanh nghiệp FDI, còn các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ thì việc tận dụng các cơ hội từ các FTA này còn tương đối hạn chế.

Ngoài ra, đại diện Bộ Công Thương cho hay, phần lớn sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là gia công, doanh nghiệp chưa xây dựng các sản phẩm có thương hiệu “Made in Việt Nam” trên thị trường các nước FTA.

Nói về nguyên nhân khiến việc thực thi FTA của doanh nghiệp còn hạn chế, bà Nguyễn Thị Thị Lan Phương cho rằng, một trong những nguyên nhân rất quan trọng và đóng vai trò rất then chốt chính là việc tiếp cận các nguồn vốn và nguồn tài chính của doanh nghiệp.

Dẫn kết quả khảo sát của VCCI, đại diện Bộ Công Thương cho biết, trong năm 2022, khi họ khảo sát doanh nghiệp thì có đến 55,6% đánh giá rằng họ khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng, trong khi con số này ở những năm 2019 chỉ là 34,8%, năm 2020 là 40,7% và đến năm 2021 là 46,9%. Tổ chức quốc tế IFC thì họ cũng đánh giá rằng 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam khó và không thể tiếp cận được vấn đề tài chính.

“Ở Việt Nam chúng tôi đánh giá rằng tỷ trọng cho vay không dựa trên bất động sản còn rất khiêm tốn so với các thị trường thế giới. Nó chỉ dao động ở mức từ 25 – 30%, trong khi hơn 70% các khoản vay còn lại của chúng ta phải dựa trên cam kết bảo đảm bằng bất động sản.

Trong khi đó, doanh nghiệp của Việt Nam với điều kiện quản trị, điều kiện quản lý dòng tiền, hệ thống tài chính, công nghệ còn rất hạn chế thì việc chứng minh những điều kiện đó rất khó khăn”- bà Nguyễn Thị Lan Phương nói.

Theo bà Nguyễn Thị Phương Lan, doanh nghiệp cần tiếp cận tài chính dễ dàng hơn để có thể đầu tư một cách bài bản hơn, chuyển đổi công nghệ sản xuất, đầu tư đáp ứng những tiêu chuẩn phát triển bền vững của thị trường FTA để tận dụng các FTA này tốt hơn.

Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết, năm 2023, xuất khẩu thủy sản giảm sút đến 30-40%. Để tháo gỡ khó khăn, doanh nghiệp thủy sản kiến nghị vấn đề đầu tiên với Chính phủ, các Bộ, ngành là vấn đề tín dụng.

“Tín dụng, về lãi suất đóng góp đáng kể để tháo nút thắt khó khăn thời gian vừa qua. Gói tín dụng 15.000 tỷ đồng đã góp phần giảm áp lực rất nhiều, ít nhất tạo ra một dư địa trong hai tháng trở lại đây, tính từ thời điểm tháng 8-2023 đến giờ thì xuất khẩu thủy sản của chúng ta đã có sự tăng trưởng tính theo tháng”- ông Nguyễn Hoài Nam thông tin.

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, hiện nay các tổ chức tín dụng đang dư thừa về thanh khoản, lượng thanh khoản rất dồi dào, trong khi đó tăng trưởng tín dụng thì ở mức thấp, rất thấp, thấp nhất trong 10 năm qua.

Về lĩnh vực xuất nhập khẩu, ngân hàng phải dành nguồn lực để đầu tư cho lĩnh vực xuất nhập khẩu. Đặc biệt, với doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang 16 thị trường có FTA với Việt Nam, lãi suất cho vay thấp nhất là 4%, thấp hơn cả lãi suất USD.

Dù được ưu tiên nhưng ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh, doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện thì ngân hàng cũng không thể cho vay được.