Khó khơi thông dòng vốn cứu bất động sản

ANTĐ -Do lệ thuộc quá sâu vào hệ thống ngân hàng, bất động sản nhanh chóng rơi vào tình trạng ngắc ngoải khi bị nhà băng cắt nguồn tín dụng. Liệu tình hình này có được cải  thiện trong năm 2012 hay các doanh nghiệp tiếp tục phải chịu đựng cơn khát vốn triền miên?

Vừa thi công cầm chừng, vừa chờ đợi dòng vốn mới đổ vào dự án

Nợ xấu trong tầm kiểm soát

Hôm nay, 14-2, Ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản (BĐS) đã họp, mổ xẻ những nhược điểm trong công tác phát triển nhà ở và quản lý thị trường BĐS để tìm hướng đi hiệu quả trong thời gian tới. Nội dung được nhiều ý kiến đề cập nhất chính là tìm cách khơi thông dòng vốn trở lại với BĐS.

Nói về tình hình tín dụng BĐS, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Đồng Tiến cho biết, dư nợ tín dụng BĐS tính đến 31-12-2011 là 199,9 nghìn tỷ đồng, nhỏ hơn 9% tổng dư nợ của toàn hệ thống. Như vậy, trong năm 2011, dư nợ tín dụng của BĐS đã giảm 15% so với năm 2010.

Cũng tính đến 31-12-2011, số nợ xấu chiếm 3,52% dư nợ BĐS, tuy cao hơn so với nợ xấu của nền kinh tế nói chung là 3% nhưng rõ ràng xu hướng nợ xấu đã giảm. Ông Nguyễn Đồng Tiến cho rằng, nợ xấu BĐS vẫn trong tầm kiểm soát và xu hướng không đáng báo động như một số chuyên gia đánh giá.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, do nguồn vốn từ ngân hàng bị ngắt nên nhiệm vụ chính đặt ra trong năm 2012 là phải giải quyết được nguồn vốn để các doanh nghiệp tiếp tục duy trì, thực hiện dự án của mình. Hiện nay, Bộ Xây dựng đang phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính đề xuất các chính sách mới nhằm tìm kiếm thêm nguồn vốn cho xây dựng phát triển nhà ở. Hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, cùng với việc hoàn thiện mô hình Quỹ tiết kiệm nhà, cần tìm ra những mô hình mới, kênh huy động vốn mới. Lâu nay, BĐS đã đặt gánh nặng lên ngân hàng quá lớn. Vì thế, thị trường BĐS và chương trình phát triển nhà ở luôn ở tình trạng thiếu bền vững. Sau một thời gian bị quá tải, việc ngân hàng phải dừng cho vay BĐS là tất yếu. Hệ quả là sau mỗi lần khủng hoảng, thị trường cần thời gian rất dài để phục hồi.

Lãi thật, lỗ giả?

Nghi ngờ những lời kêu than về việc doanh nghiệp thua lỗ nặng khi thị trường trầm lắng kéo dài, Phó Thống đốc ngân hàng Nhà nước Việt Nam nói: “Với mặt bằng giá hiện nay và sự sôi động của thị trường BĐS từ đầu năm 2011 trở về trước, việc doanh nghiệp BĐS phản ánh tình trạng thua lỗ là thiếu cơ sở, cần phải có rà soát, đánh giá để xác định thực trạng tài chính và nguyên nhân nếu có thua lỗ thật”.

Khẳng định chủ trương chung là tiếp tục điều hành tín dụng theo hướng chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt và lĩnh vực đầu tư, kinh doanh BĐS vẫn bị xếp vào nhóm không khuyến khích, tuy nhiên, ông Nguyễn Đồng Tiến cho biết, Ngân hàng Nhà nước có nới tín dụng với những nhu cầu bức thiết của người dân và xã hội như xây dựng nhà ở để bán, cho thuê, nhà ở công nhân; các công trình, dự án, nhà ở sắp hoàn thành và đưa vào bàn giao trong năm 2012; vay để phục vụ nhu cầu sửa chữa, mua nhà ở bằng nguồn thu nhập cá nhân...

Lãnh đạo NHNN Việt Nam nhận định, mặt bằng giá BĐS hiện nay quá cao so với khả năng của số đông người dân và so với giá trị thực của BĐS do bị làm giá, mua đi bán lại qua nhiều người trong giai đoạn trước đây. Do vậy, cần phải thận trọng khi tiếp thêm nguồn tài chính cho thị trường này. Bởi, nếu cho doanh nghiệp vay để hình thành dự án BĐS mới, tăng nguồn cung trên thị trường thì sẽ làm tăng tình trạng mất cân đối, đặc biệt là đối với các phân khúc nhà ở đang ở tình trạng thanh khoản kém.

Tương tự, nếu thoải mái cho vay mua BĐS, sẽ làm giá cả tăng lên. Hệ quả tiếp theo là các đối tượng cần hỗ trợ nhà ở sẽ càng khó khăn. Trong bối cảnh như vậy, cộng thêm tính minh bạch của thị trường thấp, sẽ chỉ có các nhà đầu tư có lợi. “Quan trọng hơn, nếu không kiểm soát cho vay BĐS, sẽ rất khó kiểm soát lạm phát và khó đưa lãi suất trở về mặt bằng thấp hơn hiện nay, kéo dài khó khăn cho nền kinh tế và đời sống nhân dân.” – ông Nguyễn Đồng Tiến nói.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh yêu cầu phải xây dựng và đưa ra chính sách để phát triển nhà ở cho thuê. Hiện nay, nhiều quốc gia có tỷ lệ nhà cho thuê rất cao, lên tới 80-90%, nhà ở sở hữu cá nhân rất ít. Ông nói: “Phải thúc đẩy phát triển nhà ở cho thuê, phát triển các loại hình doanh nghiệp chuyên môn cung cấp nhà ở cho thuê.”