Khó “ghìm cương” lạm phát dưới 4%

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Báo cáo “Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2021” vừa được Trường Đại học Kinh tế quốc dân công bố cho biết, mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm nay có thể đạt được, song việc kiểm soát lạm phát dưới 4% là thách thức lớn.
Lạm phát năm nay dự báo khó ở mức dưới 4%

Lạm phát năm nay dự báo khó ở mức dưới 4%

Lạc quan về tăng trưởng nhưng lo ngại lạm phát

Nêu nội dung chính của báo cáo, PGS. TS Tô Trung Thành- Trưởng phòng Quản lý Khoa học, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, tăng trưởng kinh tế Việt Nam có khả năng cao đạt được mục tiêu 6,5% trong năm 2022, tuy nhiên mục tiêu lạm phát dưới 4% của Chính phủ là khó có khả năng đạt được.

Nguyên nhân chủ yếu đến từ xu hướng tăng giá hàng hóa cơ bản và giá xăng dầu, căng thẳng Nga – Ukraine đã khiến giá năng lượng tăng cao kỷ lục, theo đó ảnh hưởng lớn đến chi phí sản xuất trong nước, gây sức ép lớn đến lạm phát năm 2022.

Theo báo cáo này, diễn biến giá dầu tăng cao trong những tháng đầu năm 2022 đặt ra thêm những thách thức rất lớn đến kinh tế. Tính đến ngày 11-3-2022, trung bình giá xăng dầu tăng 45,2% so năm năm 2021.

“Nếu giá xăng dầu tăng 45,2%, ảnh hưởng trực tiếp tức thời đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,6%, chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng khoảng 2,34%. Trong trường hợp giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, giá xăng dầu tăng so với bình quân năm 2021 khoảng 41%, ảnh hưởng trực tiếp đến giá tiêu dùng tăng 0,5%; chỉ số giá sản xuất tăng 2,2%” - PGS.TS Tô Trung Thành nhận xét.

Bên cạnh đó, lạm phát toàn cầu đang gia tăng cũng ảnh hưởng đến áp lực lạm phát trong nước. Không những thế, tỷ lệ cung tiền M2/GDP và tín dụng/GDP của Việt Nam đang ở mức rất cao so với các nước trong khu vực, trong khi tăng trưởng kinh tế đang dưới sâu so với mức sản lượng tiềm năng, làm gia tăng rủi ro lạm phát trung và dài hạn.

Nhóm nghiên cứu cho rằng, năm nay nền kinh tế sẽ phải giải cùng lúc hai bài toán là ổn định kinh tế vĩ mô và làm lành mạnh tài chính. Do đó, các chính sách tới đây cần dựa trên các quan điểm: hướng đến việc hồi phục và phát triển kinh tế một cách bền vững; thực hiện các chính sách tài khoá và tiền tệ hướng về tổng cầu trong ngắn hạn để nền kinh tế quay trở lại mức tiềm năng; tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

Báo cáo nhận định, với tình hình dịch Covid-19 có những diễn biến mới và được thúc đẩy bởi gói hỗ trợ phục hồi kinh tế mới, tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt được mục tiêu 6,5% như kỳ vọng.

Kiểm soát chặt chẽ thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp

GS. TS Phạm Hồng Chương- Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, hiện tượng giá bất động sản tăng gấp 2-3 lần chỉ trong một thời gian rất ngắn như vừa qua là điều chưa từng xảy ra.

“Bên cạnh đó, trái phiếu doanh nghiệp năm 2021 cũng có hiện tượng bất thường khi tập trung rất cao ở lĩnh vực bất động sản, chiếm tỷ trọng gần 40% và có mức tăng đến 64 % so với năm 2020. Hơn 80% giá trị trái phiếu doanh nghiệp của ngành bất động sản phát hành thuộc về các doanh nghiệp chưa niêm yết”- GS. TS Phạm Hồng Chương nói.

Từ thực tiễn này, báo cáo đề xuất cần xem xét trái phiếu bất động sản như một khoản nợ bất động sản dưới chuẩn, áp dụng trích lập dự phòng rủi ro với mọi định chế (gồm cả công ty chứng khoán, các quỹ…) nắm giữ loại giấy tờ có giá này.

“Cần nghiên cứu để xây dựng các cơ chế chính sách pháp luật không chỉ nhằm bình ổn thị trường bất động sản mà xa hơn là tạo cho thị trường này có khả năng xuất khẩu tại chỗ, đem lại nguồn ngoại tệ không nhỏ cho đất nước”- GS. TS Phạm Hồng Chương khuyến nghị.

Bên cạnh đó, cần hoàn thiện thể chế với việc định giá, tư vấn, phát hành, mua bán trái phiếu doanh nghiệp theo hướng loại bỏ mọi mọi xung đột lợi ích trên thị trường. Đồng thời, có các giải pháp đồng bộ để giảm đầu cơ trên thị trường bất động sản, loại bỏ xung đột lợi ích cơ bản trên thị trường bất động sản, tính tới nhanh chóng áp dụng Luật Tài sản.