Chuyển quản lý tiền NĐT từ CTCK sang ngân hàng:
Khó cũng phải làm
(ANTĐ) - Mới chỉ có 13 công ty chứng khoán (CTCK) chuyển toàn bộ tài khoản của nhà đầu tư (NĐT) sang ngân hàng quản lý theo quy định của Bộ Tài chính. Hàng loạt những khó khăn đã được viện dẫn nhưng xem ra không mấy thuyết phục cơ quan quản lý...
Chuyển quản lý là để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư |
Lo ngại rủi ro?
Tại cuộc tọa đàm về vấn đề này do Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán (VASB) tổ chức hôm qua (20-8) tại Hà Nội, đa phần các CTCK đều đồng tình, tạm dừng thực hiện quy định về chuyển quản lý tiền của NĐT sang ngân hàng với hàng loạt lý do về kết nối, về rủi ro...
Ông Nguyễn Quang Bảo - Phó Giám đốc Bộ phận dịch vụ chứng khoán CTCK Sài Gòn đặt vấn đề, hệ thống kết nối được CTCK đầu tư nhiều tiền của, công sức nhưng trong quá trình kết nối với ngân hàng xảy ra đứt đường truyền, không ăn nhập phần mềm giữa CTCK và ngân hàng,… gây nên những chậm trễ trong nhập lệnh của khách hàng thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm?
Bởi với người gửi tiền ở ngân hàng, nếu hệ thống ATM bị trục trặc, họ có thể đến trực tiếp ngân hàng để rút tiền nhưng với CTCK thì không thể.
Bên cạnh đó, vào những thời điểm đầu giờ, cuối giờ hay khi TTCK có biến động, hàng nghìn lệnh sẽ được nhập vào hệ thống thì dù hệ thống chỉ chậm trễ 15-30 giây không nhập được lệnh của NĐT thì CTCK phải đền bù. Trong khi đó trách nhiệm của ngân hàng, CTCK, đơn vị cung cấp phần mềm lại chưa có quy định rõ ràng.
Ông Đoàn Văn Minh - Tổng Giám đốc CTCK Hải Phòng - đơn vị đã thực hiện quy định này cho biết, quá trình làm việc thực hiện tách riêng tài khoản NĐT có không ít những khó khăn như vất vả tìm ngân hàng kết nối; công nghệ;…
Tuy nhiên, điều mà công ty “ngại” hơn cả là những rủi ro pháp lý khi mà các quy định về trách nhiệm giữa ngân hàng, CTCK và đơn vị cung cấp phần mềm chưa rõ ràng, gây nên những tranh cãi khi không nhập được lệnh của NĐT.
Mặt khác, với hệ thống công nghệ, để đầu tư, trang bị, chi phí mỗi năm CTCK phải bỏ ra không dưới 300 triệu đồng. “Chi phí này do CTCK bỏ ra nhưng chung quy vẫn là NĐT phải chịu vì CTCK có thể phải nâng phí để bù đắp” - ông Minh nói.
Giải pháp tháo gỡ
Tuy nhiên, những khó khăn các CTCK viện dẫn đã được ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Giám đốc TTGDCK Hà Nội nhấn mạnh: “Khó khăn thì đã được CTCK nói nhiều nhưng giải pháp nào tháo gỡ, các CTCK hay ngân hàng cần gì ở nhau lại ít được đề cập. Rõ ràng là ngân hàng cần, NĐT cần nhưng chỉ có CTCK là có vấn đề về lợi ích mà các lý do đưa ra là để chưa muốn thực hiện quy định này”.
Theo ông Dũng, để xử lý vấn đề này, VASB có thể đứng ra chọn một công ty cung cấp phần mềm chuẩn và làm việc với các ngân hàng để thống nhất.
Đồng tình với ý kiến này, bà Thục Anh - Phó Trưởng ban Kinh doanh, UBCKNN cũng cho rằng, việc tách bạch trong quản lý tiền của NĐT là để bảo vệ NĐT trong bối cảnh hệ thống kiểm tra, giám sát của UBCKNN còn hạn chế. Ngay như tại một số nước trong khu vực có đặc thù giống Việt Nam như Trung Quốc, Thái Lan,… họ cũng đã áp dụng.
“Chúng tôi đã đi khảo sát ở những CTCK đã kết nối tốt và chưa tốt đều nhận thấy họ có những cách rào chắn rủi ro rất tốt, lỗi đường truyền cũng rất hãn hữu, chi phí cũng không phải là vấn đề. Việc CTCK kêu khó chủ yếu là liên quan đến lợi ích quản lý tiền NĐT. Các CTCK cần nhìn thẳng vào sự thực như vậy để mà tuân thủ quy định” - bà Thục Anh nói.
Về phía ngân hàng, ông Dương Văn Cơ - Phó Giám đốc Chi nhánh Hà Thành, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) cũng khẳng định, BIDV đã kết nối thành công phần mềm quản lý với 10 CTCK. ở các vùng sâu, xa hay trên mọi miền đất nước NĐT vẫn hoàn toàn có thể giao dịch được với ngân hàng.
Trong trường hợp đứt đường truyền thì BIDV đã có hệ thống dự phòng offline với những quy trình cụ thể nên vẫn hoàn toàn có thể kết nối, giao dịch được.
Thảo Nguyên