Khi lợi ích bị đe dọa

ANTĐ - Hiếm có khi nào hơn 200 nghị sỹ Quốc hội Mỹ, cả của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa, lại đồng lòng như trong trường hợp liên quan đến điều luật ngăn chặn chính sách thao túng tiền tệ.

Hàng triệu người Mỹ có cơ hội việc làm nếu ngăn chặn được 
các hành vi thao túng tiền tệ

Trong bức thư gửi Tổng thống Mỹ B. Obama, 230 Hạ nghị sỹ, trong đó có 181 Hạ nghị sỹ của đảng Dân chủ và 49 Hạ nghị sỹ Cộng hòa, đã cùng ký tên yêu cầu “dứt khoát phải đề cập tới vấn đề thao túng tiền tệ” vào nội dung đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữa Mỹ, Nhật Bản và 10 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương.

 Trước đó, một nhóm 8 Thượng nghị sỹ Mỹ của cả đảng Cộng hòa và Dân chủ lại một lần nữa đề xuất trước Thượng viện một dự luật liên quan tới việc thao túng tiền tệ của các nước gây bất lợi cho xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Mỹ. Dự luật nếu được thông qua sẽ sử dụng luật pháp riêng của Mỹ để trả đũa hoặc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những quốc gia hoặc thực thể nào bị Mỹ cáo buộc có hành động thao túng tiền tệ. 

Lâu nay, trong Quốc hội Mỹ, người ta thường phải chứng kiến cuộc đối đầu triền miên giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa mỗi khi bàn thảo về các điều luật. Vậy điều gì ẩn chứa đằng sau vấn đề “thao túng tiền tệ” khiến hai đối thủ “con voi” và “con lừa” đồng tâm đến như vậy?

Cứ nhìn vào con số trao đổi thương mại của Mỹ là có thể hiểu. Trong báo cáo công bố tháng 12 năm ngoái, Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho rằng chính chính sách thao túng tiền tệ của nước ngoài đã khiến cán cân xuất nhập khẩu của Mỹ mỗi năm thâm hụt tới 500 tỷ USD và lấy mất của nước Mỹ từ 1-5 triệu việc làm. Còn theo Viện chính sách kinh tế (EPI), nếu ngăn chặn được các hành vi thao túng tiền tệ, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của Mỹ mỗi năm có thể tăng từ 184,1 tỷ USD đến 387,5 tỷ USD, góp phần tạo ra khoảng 2,5 triệu việc làm.

Từ góc độ kinh tế học, bất cứ nền kinh tế của một quốc gia nào cũng phải phụ thuộc vào bốn yếu tố: mức chi tiêu của người tiêu dùng, mức đầu tư kinh doanh, chi tiêu chính phủ và “thặng dư xuất cảng”, trong đó yếu tố cuối cùng liên quan đến bên ngoài. Đây chính là điểm mà các nghị sĩ Mỹ coi là “lỗ hổng” chết người với cường quốc kinh tế số 1 thế giới hiện nay.

Cả thập kỷ nay, Mỹ luôn cáo buộc một số nước, đặc biệt là Trung Quốc, đã cố tình thao túng tiền tệ để kiếm lợi. Cách làm của Bắc Kinh là khóa cứng đồng nhân dân tệ với đồng USD ở một tỷ lệ thấp dưới giá trị thực. Đồng nhân dân tệ quá rẻ đã trở thành một thứ trợ cấp béo bở cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc, trong khi lại là thứ thuế nặng đánh lên hàng hóa của Mỹ nhập cảng vào Trung Quốc. Kết quả của chính sách thao túng tiền tệ này, phối hợp với các thủ đoạn thương mại khác đã gây nên tình trạng thâm thủng mậu dịch mãn tính của Mỹ với mức độ trầm trọng.

Giờ đây Mỹ muốn chấm dứt tình trạng trên. Không chỉ với Trung Quốc, các nghị sĩ Mỹ cũng đòi đưa điều khoản chống thao túng tiền tệ vào cuộc đàm phán về Hiệp định đối tác xuyên Đại Tây Dương dự kiến bắt đầu từ tháng 7 tới, giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Chính quyền của ông B. Obama đặt quyết tâm kết thúc đàm phán về TPP vào cuối năm nay. Các chuyên gia cho rằng việc đưa thêm bất kỳ một điều khoản hoặc vấn đề mới nào đều có nguy cơ làm chậm tiến trình đàm phán. Nhưng xem ra, khi lợi ích bị đe dọa, các nhà lập pháp Mỹ không muốn nhượng bộ.