Khi im lặng không là vàng

ANTĐ - Được bày bán công khai ngay tại các tuyến phố trung tâm Thủ đô với “tư cách” là hàng hóa kinh doanh trái phép, vi phạm pháp luật nhưng lâu nay, hàng giả nhãn hiệu vẫn chưa bị động đến. Không chỉ người dân thiệt thòi vì mua phải hàng hiệu “dởm” giá cao, mà tình trạng này còn làm xấu đi hình ảnh của Hà Nội, của đất nước trong mắt du khách nước ngoài. 

Thực tế cho thấy, chỉ nhãn mác các sản phẩm tên tuổi của Việt Nam và trên thế giới đã đủ sức hấp dẫn người tiêu dùng “sành điệu”, nên dù là hàng giả hay hàng thật, sản phẩm vẫn có người mua. Ở khía cạnh khác, hàng giả giá chỉ vài chục nghìn đồng/sản phẩm lại phù hợp với sở thích của không ít người dân có thu nhập thấp. Thậm chí, nguồn cung còn được công khai để người mua không mất nhiều thời gian tìm kiếm. Không riêng gì tại Việt Nam, ở nhiều nước trên thế giới, hàng giả cũng xuất hiện và được bán lẫn lộn hàng chính hãng. Tuy nhiên, nhiều nước áp dụng các hình thức xử phạt rất nặng đối với hoạt động kinh doanh hàng giả nếu bị phát hiện, công khai nơi kinh doanh trái phép nhằm ngăn chặn triệt để tình trạng này. Điều này cho thấy, nếu công tác tuyên truyền được đẩy mạnh hoạt động kinh doanh hàng giả sẽ từng bước bị đẩy lùi. 

Mặc dù xác định được vai trò quan trọng của công tác tuyên truyền, nhưng trong đợt chống hàng giả mới đây của lực lượng chức năng, công tác tuyên truyền lại chưa được coi trọng. Người có quyền phát ngôn, tuyên truyền né tránh, thoái thác cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí. Chống hàng giả là nhiệm vụ của toàn dân, đi đầu là các cơ quan có chức năng quản lý, kiểm tra các hoạt động liên quan đến lĩnh vực này. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, lực lượng chức năng không chỉ cần nâng cao tinh thần trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm vi phạm mà còn đẩy mạnh tuyên truyền để ngăn chặn hàng giả.