- Chủ tịch ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ thăm Việt Nam
- Mỹ giảm mức thuế chống bán phá giá tôm
- Việt Nam - Con hổ trẻ châu Á
May mặc là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào Mỹ
Phát biểu trong cuộc gặp với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, ông A. Blinken cho biết, lãnh đạo Mỹ khẳng định chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống B. Obama là một trong những sự kiện đối ngoại quan trọng nhất của nước Mỹ trong năm 2016. Thứ trưởng A. Blinken còn cho biết thông qua chuyến thăm, Tổng thống B. Obama mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước và hiểu biết rõ hơn về văn hóa, lịch sử, con người Việt Nam.
Đây có thể coi là một mốc mới, một bước tiến quan trọng trong quan hệ Việt - Mỹ kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 7-1995. Nhìn lại 21 năm qua, khó có thể tưởng tượng quan hệ giữa hai cựu thù trong chiến tranh lại thay đổi theo chiều hướng tích cực nhanh như vậy. Từ bước đi ban đầu trong vấn đề còn rất hạn hẹp là tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam, đến nay hai nước đã mở rộng hợp tác ra nhiều lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học - công nghệ, đến an ninh - quốc phòng, giáo dục - đào tạo, y tế…
Nhớ lại thời điểm những năm 90 của thế kỷ trước, sau những nỗ lực cải thiện quan hệ ngoại giao đầy khó khăn, ngày 3-2-1994, Tổng thống Mỹ B. Clinton tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm vận Việt Nam. Hơn 1 năm sau, ngày 11-7-1995, cũng chính ông B. Clinton tuyên bố chính thức bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Tháng 7-2013, nhân chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trương Tấn Sang, hai nước đã xác lập Quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ. Năm ngoái, sau cuộc hội đàm tại Washington giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống B. Obama, hai bên đã đưa ra Tuyên bố tầm nhìn chung Việt Nam - Hoa Kỳ.
Quan hệ chính trị gia tăng đã tạo cơ hội thuận lợi cho hợp tác kinh tế phát triển. Kim ngạch thương mại Việt - Mỹ tăng với tốc độ nhanh chóng, từ 500 triệu USD năm 1995 lên 45 tỷ USD trong năm 2015. Theo Phòng Thương mại Mỹ (AmCham), hiện nay, Việt Nam đã vượt Thái Lan, Malaysia và Indonesia để trở thành nước Đông Nam Á xuất khẩu nhiều nhất vào Mỹ. Về đầu tư, Mỹ là một trong những nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam. Tính đến hết năm 2015, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Mỹ vào Việt Nam đạt 11,3 tỷ USD, xếp thứ 7 trong hơn 100 quốc gia đầu tư vào Việt Nam.
Đó là những cơ sở thuận lợi để chuyến thăm sắp tới của Tổng thống B. Clinton đến Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước phát triển sâu rộng, thực chất và hiệu quả hơn phục vụ lợi ích của nhân dân hai nước, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển ở khu vực. Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, hợp tác giữa hai nước phải được làm sâu sắc hơn trên 9 lĩnh vực nêu trong Tuyên bố chung giữa hai nước năm 2013, trong đó lấy hợp tác phát triển làm trọng tâm của quan hệ.
Tất nhiên, quan hệ Việt - Mỹ vẫn còn những vấn đề phải bàn thảo, cụ thể như các tranh chấp thương mại, những rào cản về thương mại của Mỹ, những khác biệt về vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo… Để quan hệ song phương tiếp tục phát triển, Việt Nam và Mỹ còn cần phải xử lý những khác biệt. Nhưng nếu nhìn lại lịch sử và mở rộng ra thế giới hiện nay, có thể nói mối quan hệ sau chiến tranh giữa Việt Nam và Mỹ là bằng chứng cho thấy nếu hai bên đều có thiện chí và quyết tâm để vượt qua quá khứ và nhìn về tương lai, nỗ lực giải quyết các vấn đề còn có khác biệt, thì một mối quan hệ khó khăn và nhạy cảm như quan hệ Việt - Mỹ vẫn có thể đem lại cơ hội và hiệu quả lớn trên nhiều mặt. Nếu chỉ nhìn vào những di sản đau đớn và sự khó khăn của chiến tranh, điều này không thể thực hiện được.