Khát vọng của một dân tộc

ANTĐ - Trong 20 năm qua, việc lập lại hòa bình ở Trung Đông chưa bao giờ gần hơn thế, vẫn còn nhiều điều có thể xảy ra sau cuộc bỏ phiếu sắp tới của Liên hợp quốc nhưng người dân Palestine vẫn không ngừng hy vọng về một trang sử mới.

Người dân Palestine mong mỏi cuộc sống hòa bình trong một nhà nước độc lập

Không ai muốn chiến tranh

Alaa Sanakreh biết rằng mình có thể mất mạng bất cứ lúc nào nên anh không hề có ý định lấy vợ, sinh con.  Từng là chỉ huy của Nhóm Tử vì đạo   Al-Aksa ở khu tị nạn Balata, thành phố Nablus bên Bờ Tây, từng tham gia các vụ đánh bom chống Israel, Sanakreh gần như đứng đầu “danh sách đen” của Israel nhiều năm qua. Anh thường xuyên chuyển chỗ ở và lúc nào cũng có một đội vệ sĩ hộ tống. Người đàn ông này nói rằng anh chỉ có một hy vọng duy nhất là hai người em của mình Ahmed và Ibrahim được sống và tiếp tục nối dõi dòng họ, nhưng cả hai đều đã không còn vì súng đạn của binh sĩ Israel.

Giờ đây Sanakreh đã chuyển ra khỏi khu tị nạn, sống trong một căn hộ có hai phòng ngủ trong tòa nhà mới trong thành phố. Anh cũng đã có vợ và 2 đứa con 1 trai, 1 gái. “Giống như bao người khác, chúng tôi cũng yêu cuộc sống, chắc chắn rằng không ai muốn chết hoặc sống trong chiến tranh, và tôi cũng vậy” - Sanakreh nói -  “Tổng thống đã ra lệnh cho chúng tôi ngừng chiến đấu. Chúng tôi mong muốn sự ổn định hơn bao giờ hết. Ông Abbas sẽ quay trở lại và chúng tôi sẽ có một nhà nước, và sau đó chúng tôi sẽ đàm phán với Israel. Chiến đấu ư? Không, thế là quá đủ rồi”.

Nỗ lực của Tổng thống Abbas

Dự kiến ngày mai, 24-9, sau bài phát biểu trước Đại hội động Liên hợp quốc, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas chính thức đệ đơn đề nghị Liên hợp quốc công nhận Palestine là nhà nước độc lập, là thành viên chính thức của tổ chức này. Sau khi nhận được đơn, Tổng thư ký LHQ Ban    Ki-moon xem xét và chuyển cho Hội đồng Bảo an bỏ phiếu thông qua. Để được chấp thuận, Palestine cần phải nhận được 9 phiếu ủng hộ trong tổng số 15 thành viên Hội đồng Bảo an và không bị các ủy viên thường trực phủ quyết.

Tuy nhiên, ngay trước mắt, nỗ lực của Palestine đã vấp phải “hòn đá tảng” - Mỹ.

Tổng thống Mỹ Obama đã tái khẳng định trong bài phát biểu của mình trước Liên hợp quốc hôm 21-9 rằng Mỹ cho rằng một nhà nước Palestine chỉ có thể đạt được dựa trên các cuộc đàm phán với Israel. Mỹ sẽ phủ quyết đề nghị của Palestine và do đó, Palestine sẽ không thể trở thành thành viên đầy đủ của Liên hợp quốc. Trong khi đó, Tổng thống Pháp Sarkozy lại cho rằng, Palestine nên từ bỏ nỗ lực này và chờ thời hạn 1 năm để Israel và Palestine đạt được hiệp định hòa bình. Về phía Israel, Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho rằng chỉ có thể đạt được hòa bình thông qua quá trình đàm phán trực tiếp.

Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Palestine Riyad al Malki hy vọng Mỹ sẽ sửa đổi lập trường của mình, đứng vào bên đa số của LHQ để ủng hộ việc thành lập nhà nước Palestine độc lập và có quyền tự quyết.

Rất nhiều người tin rằng, giờ đây, khi người dân đã quá mệt mỏi với bạo lực, thì nỗ lực của Tổng thống Abbas sẽ gặp nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, nếu tình hình không có gì thay đổi, không chỉ Tổng thống Abbas có thể mất tín nhiệm mà nguy cơ bạo lực tái diễn là điều khó tránh khỏi.