IS tạo mây axit khổng lồ, Thổ Nhĩ Kỳ báo động khẩn cấp

ANTD.VN - Thổ Nhĩ Kỳ đang báo động khẩn cấp vì một đám mây khổng lồ bao trùm Trung Đông có thể gây mưa axit do những chiến binh thuộc Tổ chức Nhà nước Hồi giáo cực đoan (IS) đốt cháy một nhà máy lưu huỳnh ở Mosul. 

Nhằm đảm bảo công dân của mình không bị ảnh hưởng bởi cơn mưa axit độc hại, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, Veysi Kaynak đã thông báo cho người dân chuẩn bị đối phó.

Phó thủ tướng cho biết, Cơ quan Khí tượng học và Quản lý thiên tai Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng tìm biện pháp để ngăn chặn cơn mưa độc hại và làn khói độc từ Mosul bay sang.

IS tạo mây axit khổng lồ, Thổ Nhĩ Kỳ báo động khẩn cấp  ảnh 1

Đám mây axit khổng lồ khiến Thổ Nhĩ Kỳ phải báo động khẩn cấp

Ông Kaynak nói: “Theo dự báo của Tổng cục khí tượng Thổ Nhĩ Kỳ, kịch bản xấu nhất có thể xảy ra là đám mây axit khổng lồ sẽ bay qua biên giới phía đông nam Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq, thuộc tỉnh Hakkari và đi thẳng đến biển Caspian”.

Biên tập viên khí tượng của đài truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ NTV, Gokhan Abur cho biết: “Bắt đầu từ 27-10, gió sẽ thổi từ phía đông nam đưa khói độc cùng với đám mây axit vào lãnh thổ Ankara. Cơn mưa sẽ hòa trộn với làn khói mang theo SO2 (lưu huỳnh đi-ô-xít) sẽ tạo ra H2SO4 (axit sulfuric) – Một loại hóa chất độc hại.

IS tạo mây axit khổng lồ, Thổ Nhĩ Kỳ báo động khẩn cấp  ảnh 2

Trong quá trình cản bước tiến của quân đội Iraq và Liên minh 60 nước, IS đã hủy hoại môi trường nghiêm trọng

Đây là hậu quả của việc IS đốt nhà máy lưu huỳnh al-Mishraq hồi đầu tháng 10-2016 để cản trở bước tiến của quân đội Iraq. Đồng thời, những kẻ cực đoan còn đốt nhiều giếng dầu trị giá hàn triệu đô la Mỹ, gây thiệt hại về kinh tế và hủy hoại môi trường nghiêm trọng.

Liên Hợp Quốc cho biết, các cơ quan y tế đã phải huy động nhân lực để điều trị cho hơn 1.000 trường hợp nghẹt thở ở những khu vực xung quanh nhà máy lưu huỳnh.

Bên cạnh đó, Cơ quan môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) cũng lên án những hành động đốt phá, gây thiệt hại về người, kinh tế cũng như là môi trường của các chiến binh cực đoan IS.

Giám đốc UNEP, Erik Solheim nhấn mạnh: “Dù cuộc chiến với IS có kết thúc, Iraq sẽ phải chịu đựng hậu quả của việc tàn phá môi trường trong nhiều thập niên sau đó. Nó là một thảm họa kéo dài, khiến cho điều kiện sống của người dân nguy hiểm và đau khổ”.