Iraq cạn tiền trong cuộc chiến chống IS?

ANTĐ - Tờ Telegraph (Anh) đưa tin, cuộc chiến chống lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) của Iraq đang gặp nhiều khó khăn do thiếu kinh phí. Lực lượng quân đội nước này không thể triển khai các chiến dịch quy môn lớn vì thiếu vũ khí.

Iraq cạn tiền trong cuộc chiến chống IS? ảnh 1

Để chiến đấu với IS, lực lượng quân đội Iraq cần phải được đầu tư mạnh mẽ hơn nữa

Hết tiền vì giá dầu giảm

Mặc dù cuộc chiến chống IS ở Iraq có sự tham gia của nhiều lực lượng như quân đội, dân quân địa phương, sự vào cuộc của các quốc gia phương Tây nhưng hiệu quả chưa thực sự đạt như mong muốn. Vấn đề nan giải nhất với Iraq lúc này chính là kinh phí để mua vũ khí hiện đại.

“Chúng tôi đã tập trung ở Nineveh để huấn luyện từ 5 tháng nay nhưng chưa được trang bị vũ khí chiến đấu. Các lực lượng vũ trang ở Iraq đã bị chỉ trích nặng nề về khả năng chiến đấu khi IS kéo quân qua miền tây và miền bắc Iraq cách đây 2 năm. Thời gian gần đây, chúng tôi đã giành được những chiến thắng đáng khích lệ như kiểm soát được thành phố Ramadi, buộc IS rút quân khỏi lãnh thổ Anbar và Salaheddin... Tuy nhiên, cuộc chiến vẫn còn rất dài”, ông Ayman, một tướng lĩnh trong quân đội Iraq nói. 

Theo ông Ayman, thiếu kinh phí quốc phòng có nguyên nhân từ việc giá dầu thô giảm trên thị trường thế giới. Giá dầu đã giảm từ mức đỉnh cao 140 USD/thùng xuống còn 80 USD/thùng vào năm ngoái và giờ chỉ còn 40 USD/thùng.

Chính điều này đã ảnh hưởng trầm trọng đến ngân sách của Chính phủ Iraq (khoảng 90% nguồn thu của Iraq từ dầu mỏ). “Tất nhiên, nó đã ảnh hưởng đến tất cả các khía cạnh của đời sống xã hội. Tác động đầu tiên là chính sách an ninh quốc phòng”, Bộ trưởng Quốc phòng Iraq, Khaled al-Obeidi nói với tờ The Sunday Telegraph trong một cuộc phỏng vấn.

Ông Obeid cho biết thêm, trong cuộc khảo sát mới đây của Bộ Quốc phòng ở Salaheddin, chính quyền địa phương phản ánh rằng, các khoản kinh phí từ Baghdad đưa về luôn chậm và quân đội, cảnh sát thiếu vũ khí để hoạt động. “Chúng tôi sẽ làm việc với Bộ Nội vụ để giải quyết vấn đề này. Kinh phí quốc phòng phải được ưu tiên hàng đầu”, ông Obeid nói.

Tham mưu trưởng quân đội Iraq, Trung tướng Othman al-Ghanemi thừa nhận, quân đội Iraq đã giành được những thắng lợi quan trọng trong cuộc chiến chống IS nhưng việc thiếu vũ khí là thực tế không thể phủ nhận. “Tương lai của Iraq  phụ thuộc rất lớn vào vấn đề kinh tế, trong đó có dầu mỏ”, ông Othman al-Ghanemi nói.

Cắt giảm lương ở khu vực công

Trước tình hình kinh tế khó khăn, Chính phủ Iraq đã buộc phải cắt giảm lương ở khu vực công, gây nên sự phẫn nộ trong giới công chức của nước này. Trong một cửa hàng bán đồ nội thất ở khu phố Kerrada Baghdad, một sĩ quan quân đội đi mua sắm với vợ cho biết, mọi người đổ lỗi cho Chính phủ đã cắt giảm lương, làm xáo trộn cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của họ. “Với việc giá dầu giảm trên thị trường quốc tế, Nhà nước cần phải dự báo từ trước và đưa ra giải pháp chứ không thể để trong trạng thái bị động như thế”, vị sỹ quan quân đội đề nghị giấu tên cho biết.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Majid al-Suri nhận định, hoạt động của các cơ quan công quyền Iraq không hiệu quả. “Số lượng nhân viên khu vực công đã tăng từ 650.000 đến 4,5 triệu người kể từ khi chế độ Saddam Hussein bị lật đổ vào năm 2003. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngân sách quốc gia. Bên cạnh đó là sự chia rẽ quyền lực trong Chính phủ giữa các giáo phái khiến hoạt động của bộ máy chính quyền kém hiệu quả. Các nhà lãnh đạo đã nhắm mắt làm ngơ để nạn tham nhũng diễn ra tràn lan. Những người có chức quyền không phải là triệu phú mà là nhưng tỷ phú”, ông Majid al-Suri nói.

Chuyên gia kinh tế Baraa Abdullah cũng đồng tình cho rằng, cách thức hoạt động của Chính phủ Iraq hiện nay không hiệu quả. “Nếu bạn có bằng cấp, bạn chắc chắn có việc làm trong khu vực Nhà nước. Đây là cách thức hoạt động của Nhà nước Iraq”, Baraa Abdullah nói.