[Infographic] Mỹ chuyển giao chiến hạm "đánh mãi không chìm" cho Việt Nam?

ANTD.VN - Khinh hạm Oliver Hazard Perry là một trong những loại tàu chiến nổi tiếng 'sống dai' của Mỹ, ngay cả khi trúng ngư lôi, chúng vẫn không bị đánh chìm. Việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí cho phép Việt Nam có khả năng tiếp cận những chiếc tàu chiến vốn đang thuộc diện niêm cất của Mỹ.

Trong tháng 12-2017, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã làm lễ tiếp nhận tàu tuần tra CSB 8020 vốn là chiếc USCGS Morgenthau (WHEC 722) lớp Hamilton vừa được Tuần duyên Hoa Kỳ cho nghỉ hưu. Đây chính là trang thiết bị quốc phòng lớn nhất có nguồn gốc từ Mỹ trong biên chế Quân đội nhân dân Việt Nam.

Với quan hệ ngày càng nồng ấm và Mỹ đã đồng ý dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam. Rất có thể trong tương lai phía bạn sẽ cung cấp thêm cho chúng ta khinh hạm lớp Oliver Hazard Perry, một trong những chiến hạm nổi tiếng của Mỹ.

Khinh hạm Oliver Hazard Perry nổi tiếng "sống dai", ngay cả khi bị trúng ngư lôi hạng nặng nó vẫn không bị chìm.

Khinh hạm Oliver Hazard Perry nổi tiếng "sống dai", ngay cả khi bị trúng ngư lôi hạng nặng nó vẫn không bị chìm.

Khinh hạm lớp Oliver Hazard Perry do Mỹ thiết kế từ giữa những năm 1970 để hộ tống các đoàn tàu đổ bộ, tàu hậu cần, nhóm tàu sân bay chiến đấu. Nó cũng có thể đảm nhiệm các hoạt động khác như giám sát hoạt động buôn bán ma túy bất hợp pháp, hoạt động đánh bắt cá trái phép.

Việc sản xuất Oliver Hazard Perry thực hiện trong giai đoạn 1975-2004, có tới 71 chiếc được chế tạo tại các nhà máy Mỹ, Australia, Tây Ban Nha và Đài Loan. Hiện nay, đội tàu Oliver Hazard Perry trong Hải quân Mỹ (gồm 61 chiếc) đã được loại biên và đưa vào diện niêm cất, một phần trong số này đã được chuyển giao cho các nước đồng minh.

Nhiều chuyên gia nhận định, rất có thể Mỹ sẽ trao tặng, hoặc bán rẻ cho Việt Nam một số vũ khí trong đó có khinh hạm Oliver Hazard Perry. Nếu Việt Nam quyết định mua lại khinh hạm lớp Oliver Hazard Perry và hiện đại hóa bằng tên lửa diệt hạm Kh-35 của Nga hoặc KTC-15 (Đài Loan cũng được Mỹ chuyển giao chiến hạm này và họ đã lắp tên lửa nội địa HF-2) thì đây sẽ là tàu chiến có hỏa lực tương đối mạnh, đảm bảo được năng lực tác chiến cả trong hiện tại lẫn tương lai. Lượng giãn nước lớn, dự trữ hành trình dài ngày cũng giúp tàu hiện diện thường xuyên hơn ngoài khơi để tăng cường năng lực bảo vệ chủ quyền biển đảo.