Indonesia cảnh giác cao độ sau loạt vụ tấn công khủng bố

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Indonesia - quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới đang trong tình trạng báo động sau các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào nhà thờ Makassar ở Sulawesi và Trụ sở Cảnh sát Quốc gia ở Jakarta trong tuần này. Trước tình hình đó, các cộng đồng Cơ đốc giáo trên khắp Indonesia cũng cảnh giác cao độ về an ninh trước lễ Phục sinh.
Cảnh sát Indonesia bảo vệ hiện trường vụ đánh bom nhà thờ Công giáo ở Sulawesi hôm 28-3

Cảnh sát Indonesia bảo vệ hiện trường vụ đánh bom nhà thờ Công giáo ở Sulawesi hôm 28-3

Một nhân viên bảo vệ tư nhân làm việc tại nhà thờ ở Makassar hiện đang được ca ngợi như một anh hùng sau khi ngăn chặn 2 kẻ đánh bom liều chết hôm 28-3. Ông Cosmas, 51 tuổi đã nhìn thấy 2 người trên một chiếc xe máy lảng vảng trước cổng phụ của nhà thờ. Khi chiếc xe máy đến gần cổng, ông đã chặn lại, sau đó thì bom nổ.

“Cosmas vẫn còn nhiều vết thương trên người và bị ù tai. Anh ấy không chỉ là nhân viên bảo vệ chính của nhà thờ chúng tôi mà còn luôn hăng hái trong những dịp kỷ niệm lớn”, linh mục Tulak cho biết.

Cảnh sát trưởng quốc gia Indonesia Listyo Sigit Prabowo cho hay, những kẻ tấn công là thành viên mạng lưới Jamaah Ansharut Daulah (JAD) đã bị Mỹ tuyên bố là một tổ chức khủng bố vào năm 2017 và bị cấm ở Indonesia vào năm 2018. “Nói một cách đơn giản, nhóm JAD ủng hộ thủ lĩnh IS ở Đông Nam Á Abu Bakr al-Baghdadi và cam kết thực hiện mọi chỉ đạo từ các thủ lĩnh IS. Bạn được dạy để trở nên thù địch với những người ngoại đạo và những nhà quản lý không muốn áp dụng luật Hồi giáo”, ông Prabowo nói.

Cảnh sát trưởng quốc gia cho biết thêm, vụ tấn công nhà thờ ở Makassar theo mô hình tương tự như các cuộc tấn công nhà thờ ở Surabaya năm 2018. Các nơi thờ tự đã trở thành mục tiêu ưa thích của JAD vì lực lượng bảo vệ yếu ớt và có nhiều khả năng gây thương vong hàng loạt hơn là các mục tiêu khác như trụ sở cảnh sát hay quân đội. Sau vụ đánh bom nhà thờ ở Makassar, một nữ nghi phạm khủng bố cũng đã bị tiêu diệt do mang súng tấn công Trụ sở Cảnh sát Quốc gia ở Jakarta hôm 31-3.

Người theo đạo Thiên chúa được coi là một nhóm thiểu số ở Indonesia, nơi có khoảng 87% dân số theo đạo Hồi. Trong tổng số 270 triệu dân, khoảng 23 triệu người Indonesia là người Công giáo. Trong khi đó, Indonesia trải qua nhiều vụ tấn công nhằm vào các cơ sở tôn giáo, thờ tự, như loạt vụ đánh bom nhà thờ vào đêm Giáng sinh năm 2000 ở thủ đô Jakarta cũng như Medan ở Sumatra và Batam, hay ở các đảo Riau ngay phía Nam Singapor. Nhóm gây ra sự việc này là Jemaah Islamiyah (JI), tổ chức chịu trách nhiệm cho vụ đánh bom Bali năm 2002.

Nổi lên gần đây nhất, vào năm 2018, 3 nhà thờ ở thành phố Surabaya đã bị những kẻ đánh bom liều chết của nhóm Jamaah Ansharut Daulah (JAD) tấn công khiến 28 người thiệt mạng. Trong số thủ phạm có một cặp vợ chồng cùng 3 đứa con, nhỏ nhất mới 9 tuổi.

Ông Noor Huda Ismail, một cựu thành viên của nhóm theo chủ nghĩa cứng rắn Darul Islam, người đã thành lập Viện Xây dựng Hòa bình Quốc tế và điều hành các chương trình tẩy trừ cực đoan hóa trên khắp Indonesia cho rằng “Bữa tiệc vẫn chưa kết thúc” và các cuộc tấn công có thể sẽ tiếp diễn trong thời gian diễn ra lễ Phục sinh và trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo, bắt đầu vào ngày 12-4.

Nhiều nhà thờ trên khắp quần đảo Indonesia đã tăng cường lực lượng bảo vệ cùng với sự hỗ trợ thêm của cảnh sát địa phương trong các ngày lễ chính trong lịch Thiên chúa giáo như lễ Phục sinh và Giáng sinh. Tại thành phố Medan, Bắc Sumatra, nơi có đông người theo đạo Thiên chúa, linh mục địa phương cho hay: “Hiện tại, chúng tôi không cảm thấy sợ hãi vì chúng tôi nhận được sự quan tâm và hòa hợp của cộng đồng xung quanh. Nhưng trước đó chúng tôi đã có sự đảm bảo an ninh của cảnh sát và chúng tôi sẽ đề nghị họ lại trợ giúp vào lễ Phục sinh này. Chúng tôi hy vọng vẫn có thể cầu nguyện cùng nhau, chúng tôi cũng là con người”.