Huỷ bỏ giải Nobel Văn học 2018: Bê bối lạm dụng tình dục gây khủng hoảng

ANTD.VN - Theo đúng kế hoạch, giải Noel Văn học 2018 sẽ được trao vào ngày 4-10, nhưng Hội đồng Viện hàn lâm Thuỵ Điển đã quyết định huỷ bỏ giải thưởng này sau những lùm xùm xoay quanh Jean-Claude Arnault, chồng của một thành viên Hội đồng.

Jean-Claude Arnault là tâm điểm của vụ bê bối khiến giải Nobel Văn học 2018 bị huỷ

Jean-Claude Arnault, nhiếp ảnh gia người Pháp, là chồng của nhà thơ Katarina Frostenson, thành viên quan trọng trong Hội đồng Viện Hàn lâm Thụy Điển. Ông bị cáo buộc đã lạm dụng nhiều phụ nữ ở câu lạc bộ văn hóa thuộc sở hữu của Viện Hàn lâm tại Stockholm và Paris suốt 20 năm qua. Không những thế, Arnault còn làm rò rỉ thông tin giải thưởng trong nhiều năm liền.

2 thập niên “sống trong bóng tối”

Jean-Claude Arnault đã cùng nhà thơ Katarina Frostenson điều hành một câu lạc bộ văn hoá dưới sự bảo trợ của Viện Hàn lâm Thuỵ Điển trong nhiều năm qua.

Tháng 11-2017, tờ Dagens Nyheter của Thụy Điển đưa tin, có 18 người phụ nữ, là thành viên tại câu lạc bộ văn hoá do ông Arnault phụ trách tại Stockholm (Thuỵ Điển) và Paris (Pháp), đã lên tiếng cáo buộc nhiếp ảnh gia 72 tuổi người Pháp nhiều lần có hành vi xâm hại mình. Hành vi trái đạo đức này của ông Arnault đã kéo dài trong suốt 2 chục năm.

Sau khi bài báo trên tờ Dagens Nyheter được xuất bản, chỉ có một nhà văn nữ tới cảnh sát tiết lộ toàn bộ sự thật về những gì đã xảy ra với cô trong năm 2011. Tuy nhiên người này đã đề nghị cảnh sát giấu đi danh tính thật của mình, vì ông Arnault là bạn thân của sếp cô.

Ngay sau khi sự trên vỡ lở, ông Arnault đã bị khởi tố với 2 tội danh hiếp dâm vào tháng 6-2018.

Trong phiên toà kéo dài 3 ngày tại Toà án Quận Stockholm (Thuỵ Điển) hồi tháng 9 vừa qua, các công tố viên đã cáo buộc nhiếp ảnh gia người Pháp có hành vi cưỡng ép nạn nhân phải quan hệ tình dục bằng miệng hồi tháng 10-2011, sau đó ông tiếp tục cưỡng hiếp cô trong lúc ngủ vào tháng 11-2011.

Huỷ bỏ giải Nobel Văn học 2018: Bê bối lạm dụng tình dục gây khủng hoảng ảnh 2

 Ông Jean-Claude Arnault bị tuyên án 2 năm tù giam 

Vụ xét xử kéo dài tới tận ngày 1-10-2018, ông Jean-Claude Arnault mới bị tuyên án 2 năm tù giam tại toà án Stockholm, đây được xem là mức án nhẹ nhất đối với tội danh hiếp dâm tại Thuỵ Điển.

Phán quyết này được đưa ra ít phút trước khi giải Nobel Y sinh được trao cho liệu pháp điều trị ung thư của hai nhà khoa học James P. Allison và Tasuku Honjo.

Trước phán quyết của toà án, Luật sư của Arnault khẳng định sẽ kháng cáo đến cùng bởi các bằng chứng không đủ thuyết phục. Ngược lại, công tố viên Christina Voigt có nhiều ý kiến trước phán xét của tòa án, bà cho rằng Arnault phải bị kết án ít nhất 3 năm. Mức án tối đa cho tội cưỡng hiếp ở Thụy Điển lên đến 6 năm.

Sự cố rò rỉ thông tin giải Nobel Văn học kể từ năm 1996

Bên cạnh vụ bê bối lạm dụng, tờ nhật báo Dagens Nyheter còn tiết lộ rằng Jean-Claude Arnault có thể đã làm rò rỉ tên của 7 người chiến thắng giải Nobel Văn chương trước khi Hội đồng công bố, trong đó có trường hợp của Bob Dylan năm 2016, Jean-Marie Gustave Le Clezio năm 2008 và Harold Pinter 2005.

Chủ nhân giải Nobel 2016 Bob Dylan có thể đã được biết thông tin từ trước lễ trao giải

Những hành vi sai phạm này của ông Arnault được tiến hành trong thời gian dài, từ năm 1996 tới nay. Điều này đã gây ảnh hưởng vô cùng lớn tới uy tín của Lễ trao giải danh giá nhất nhì thế giới này.

Khủng hoảng này đã khiến Viện Hàn lâm Thụy Điển quyết định không trao giải Nobel Văn chương năm nay, thay vào đó sẽ có một giải thay thế mang tên New Academy mới được lập ra vào đầu tháng 7 bởi Tổ chức New Academy, với sự tham gia của hơn 100 văn nghệ sĩ.

Với việc hoãn trao giải Nobel văn học năm nay, tức là, sẽ có hai tác giả thắng giải Nobel được công bố trong năm 2019. Trước đây, giải cũng từng hoãn hoặc hủy vài lần, như trong Thế chiến II. Lần hoãn gần nhất là lần trao giải cho nhà văn Mỹ William Faulkner, người nhận giải thưởng năm 1949 vào năm 1950.

Viện Hàn lâm Thuỵ Điển rơi vào khủng hoảng

Vụ bê bối đang đe dọa nghiêm trọng tới uy tín của giải Nobel Văn học và thu hút sự chú ý chưa từng có tới Viện Hàn lâm Thụy Điển, tổ chức luôn hoạt động bí mật để lựa chọn ra những người chiến thắng xứng đáng.

Trước những tiết lộ “động trời” trên, Viện đã thừa nhận sự thật về những giải thưởng bị rò rỉ, nhưng không nói rõ cụ thể là ai và nguồn tin từ đâu.

Sau khi cắt đứt quan hệ với Arnault, Viện tổ chức bỏ phiếu quyết định có nên khai trừ Frostenson khỏi tổ chức trước những cáo buộc về xung đột lợi ích và tiết lộ tên người thắng cuộc cho chồng, người có thể đã rò rỉ nó.

Nhà thơ Katarina Frostenson tiếp tục ở lại Viện Hàn lâm Thuỵ Điển sau những bê bối của chồng 

Kết quả, Frostenson được phép ở lại, khiến ba trong số 18 thành viên của Viện là Klas Ostergren, Kjell Espmark và Peter Englund, từ chức để phản đối. Trong những tuần tiếp theo, ba người nữa, trong đó có cả thư ký thường trực Viện, Sara Danius và bản thân Frostenson, cũng rút lui.

Englund viết trong thư gửi tờ Aftonbladet rằng, ông bỏ Viện vì bất đồng với cách họ xử lý khủng hoảng. “Tôi không thể ủng hộ hay bảo vệ những quyết định họ đưa ra. Thế nên tôi quyết định không làm việc ở Viện Hàn lâm Thụy Điển nữa”.

Trong khi đó, Ostergren, trong tuyên bố viết gửi tờ Svenska Dagbladet,nói rằng lâu nay ở Viện đã tồn tại những vấn đề trầm trọng “và giờ cố giải quyết bằng cách đưa ra những cân nhắc mù mờ theo quy chế. Do đó, tôi quyết định không thể cùng hoạt động với họ. Tôi rời cuộc chơi”.

Espmark thì viết cho Svenska Dagbladet  Dagens Nyheter, nói: “Tính chính trực là cốt lõi của Viện. Khi những tiếng nói đầu đàn của Viện đặt tình bạn và những suy xét không chính đáng lên trước tính chính trực, thì tôi không thể làm việc ở đây nữa”.

Thư ký thường trực Viện, bà Sara Danius rất buồn vì quyết định của ba người nhưng hiểu lý do của họ và cũng đang cân nhắc sẽ từ chức. Hiện tại, có tới 5 chiếc ghế trống trong tổng số 18 ghế của Viện

Các thành viên Viện được bổ nhiệm trọn đời và không có quy định chính thức cho phép họ từ chức. Điều này có nghĩa là không thể thay thế sáu người mới rút lui. Trước sự việc trên, vua Carl XVI Gustaf đã sửa đổi các nguyên tắc của Viện, cho phép các thành viên từ chức. Ngoài ra, những thành viên không tham gia vào công việc chung của Viện trong hai năm cũng bị coi là từ chức. Các thay đổi khác cũng đang được cân nhắc.