Hội nghị Thượng đỉnh APEC 19

Hướng tới thúc đẩy tự do thương mại, đầu tư

ANTĐ - Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 19 (APEC-19) ở Honolulu, thủ phủ bang Hawaii (Mỹ), dưới sự chủ trì của Tổng thống nước chủ nhà Barack Obama đã thảo luận tìm kiếm giải pháp thúc đẩy tự do thương mại và đầu tư trong khu vực thông qua giải quyết vấn đề thuế quan và những rào cản thương mại khác.

Diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế thế giới phục hồi khá mong manh, cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu đe dọa cuốn thế giới vào một vòng xoáy suy thoái mới, hội nghị APEC lần này đặt trọng tâm vào phát triển kinh tế, tăng cường hợp tác đa phương mà lớn nhất là Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP)  – hiệp định được coi là có thể mở đường cho một khu vực thương mại tự do bao gồm phần lớn các nước ven bờ Thái Bình Dương.

Nhằm thúc đẩy hợp tác khu vực và phục hồi kinh tế, các nhà lãnh đạo đã nhất trí đẩy mạnh chiến lược mới của APEC về cải cách cơ cấu kinh tế, hợp tác chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh, tạo thêm công ăn việc làm, phát triển cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh liên kết thương mại và chuỗi cung ứng khu vực, tăng cường sự tham gia và đóng góp của các doanh nghiệp.

TPP làm thay đổi khu vực, Việt Nam sẽ hợp tác tích cực

Trong hội nghị, Tổng thống Mỹ Obama công bố một phác thảo về những nét chính của Hiệp định TPP và đạt đồng thuận của 8 nước khác gồm Australia, Việt Nam, Chile, Peru, Singapore, New Zealand, Malaysia và Brunei. Đây là cột mốc quan trọng trong tầm nhìn chung của 9 quốc gia về việc thiết lập một hiệp định khu vực toàn diện và thuộc thế hệ mới, trong đó tiến hành tự do hóa thương mại và đầu tư, giải quyết các vấn đề thương mại mới và truyền thống cũng như các thách thức của thế kỷ 21.

Tổng thống Obama cho biết Hiệp định TPP, với một nhóm nước có giao dịch thương mại hàng năm với Mỹ khoảng 200 tỷ USD, sẽ có lợi cho tất cả các nước tham gia vì có thể thúc đẩy thương mại, tạo ra nhiều sản phẩm hơn cho khách hàng và tạo các việc làm mới. Việc Nhật Bản ngay trước thềm hội nghị quyết định tham gia TPP đánh dấu một bước tiến lớn trong những nỗ lực của Mỹ nhằm mở rộng giá trị và vai trò TPP.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho rằng, TPP là con đường phát triển mới, an toàn cho các nền kinh tế APEC trong bối cảnh châu Âu ngập trong đống nợ. Còn Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào nói, ủng hộ một mục tiêu dài hạn đàm phán về một khu vực tự do thương mại trong khu vực, mà có thể trong tương lai bao gồm tất cả các thành viên APEC.

Phát biểu tại APEC lần này, Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang cho biết Việt Nam tích cực tham gia đàm phán và đảm bảo sẽ làm một đối tác hết sức tích cực để sớm hiện thực hóa TPP trong tương lai gần. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị APEC cần có cách tiếp cận tổng thể và toàn diện, hành động mau chóng và quyết liệt trên các cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu để tránh nguy cơ một cuộc suy thoái mới, qua đó tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của diễn đàn và liên kết kinh tế ở châu Á - Thái Bình Dương trong cấu trúc khu vực và quốc tế đang định hình.

Liên quan đến nội dung hợp tác về “sử dụng năng lượng hiệu quả và an ninh năng lượng”, Chủ tịch Trương Tấn Sang khẳng định, Việt Nam đang nỗ lực bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia theo hướng phát triển đồng bộ các nguồn năng lượng, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phát triển công nghệ sản xuất sạch và năng lượng sạch. Chủ tịch cũng đề nghị APEC tăng cường đóng góp vào các nỗ lực quốc tế trong lĩnh vực này, nhất là “Sáng kiến nền kinh tế xanh” của Liên hợp quốc và “Kế hoạch hành động ASEAN về hợp tác năng lượng”.

Xây dựng khu vực tự do thương mại mới

Các nhà lãnh đạo tin tưởng rằng hiệp định này sẽ là một hình mẫu cho các hiệp định thương mại tự do trong tương lai, thúc đẩy các mối liên kết chặt chẽ giữa các nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và hỗ trợ tạo việc làm, mang lại mức sống cao hơn và giảm đói nghèo cho người dân tại mỗi nước thành viên.

Những nét chính của TPP gồm: Tiếp cận thị trường một cách toàn diện, xây dựng một hiệp định khu vực toàn diện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và phát triển chuỗi sản xuất và cung ứng giữa các thành viên TPP, hỗ trợ mục tiêu tạo việc làm, nâng cao mức sống và cải thiện phúc lợi tại các nước thành viên, coi các vấn đề mới nổi lên trong thương mại toàn cầu như một phần của đàm phán TPP. ..

Trên cơ sở những tiến bộ đã đạt được, các nhà lãnh đạo 9 nước tham gia TPP cam kết dành những nguồn lực cần thiết để hoàn tất hiệp định mang tính biểu tượng này trong thời gian sớm nhất có thể. Các nhà lãnh đạo cho rằng những tiến bộ đạt được sẽ giúp hướng tới mục tiêu cuối cùng là tự do hóa thương mại khu vực Thái Bình Dương. Các nhà lãnh đạo đã chỉ đạo các đoàn đàm phán nhóm họp vào đầu tháng 12 tới và sắp xếp lịch cho các phiên đàm phán tiếp theo trong năm 2012.