Hướng tới Olympic Tokyo 2020

ANTD.VN - Thể thao Việt Nam (TTVN) vừa trải qua một kỳ Olympic Rio 2016 tạm gọi là thành công, với 1 HCV và 1 HCB của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh. Đó là một kết quả ngoài mong đợi, nhưng cũng là sức ép không hề nhỏ cho các nhà quản lý khi hướng tới kỳ Thế vận hội tiếp theo, sau đây 4 năm.

Không còn là giấc mơ

Trước khi lên đường tham dự Olympic Rio, TTVN chỉ có vỏn vẹn 2 tấm Huy chương, đều là bạc, của võ sĩ taekwondo Trần Hiếu Ngân (Sydney 2000) và lực sĩ Hoàng Anh Tuấn (Bắc Kinh 2008). Ngay cả Trưởng đoàn Trần Đức Phấn cũng tỏ ra e dè khi nói về mục tiêu của đoàn Việt Nam: “Chúng ta chỉ hy vọng có Huy chương”. Có nghĩa, ngay cả HCĐ cũng là vui rồi.

Thế nhưng, những phát đạn để đời của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã khiến những người yêu thể thao Việt Nam được lâng lâng trong hạnh phúc. Nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao, đồng thời là nguyên Trưởng đoàn TTVN ở nhiều kỳ cuộc lớn - Nguyễn Hồng Minh đã phải dùng từ  “phi thường” để nói về chiến tích của xạ thủ 42 tuổi này vì đó là sân chơi của những cá nhân kiệt suất nhất, tinh hoa nhất của thể thao thế giới”.

Chiến tích của Hoàng Xuân Vinh, chắc chắn sẽ mang ý nghĩa như một đòn bẩy để thể thao nước nhà có quyền ước mơ vươn cao và xa hơn. Nhờ 1 HCV và 1 HCB ấy, đoàn Việt Nam sẽ nằm trong tốp 50-60 của Olympic Rio 2016, tức sẽ đứng trên hơn 100 quốc gia.

Một kết quả đáng để tự hào. Nó sẽ giúp chúng ta thay đổi nhận thức, tự tin hơn khi ra biển lớn. Vì người Việt cho đến lúc này đã đứng thứ nhất thế giới ở một nội dung. Không quá khi nói rằng tấm HCV của Hoàng Xuân Vinh đã mở toang cánh cửa để TTVN tiến nhanh, mạnh mẽ hơn nữa trong quá trình hội nhập.

TTVN sẽ thế nào ở Olympic Tokyo 2020? 

Trong niềm hân hoan cùng chiến tích của Hoàng Xuân Vinh, nhiều người vẫn không khỏi chạnh lòng và đau đáu một nỗi lo khi nghĩ về Thế vận hội tiếp theo, sẽ diễn ra ở Tokyo (Nhật Bản) sau đây 4 năm. Niềm vui của TTVN ở Brazil là có thật, nhưng nó chưa trọn vẹn bởi ngoài bắn súng, còn có quá nhiều môn đã thất bại và thậm chí còn không đạt được mục tiêu đề ra. ở môn Judo, Văn Ngọc Tú sau khi may mắn vượt qua đối thủ ở vòng 1 đã thua ở vòng 2.

Trong khi đó, Phan Thị Hà Thanh và Phạm Phước Hưng của TDDC cũng đều thi đấu không thành công do không vượt qua được chính mình. Nhưng đáng kể nhất là trường hợp của Thạch Kim Tuấn, một trong những VĐV được đầu tư mạnh nhất của TTVN trong năm qua. Anh được kỳ vọng mang về Huy chương ở môn cử tạ, nhưng cuối cùng lại gặp vấn đề tâm lý và không thể chiến thắng bản thân, đành chịu nhận một kỳ Thế vận hội thất bại.

Kình ngư Ánh Viên cũng có một kỳ Olympic dưới sức, dù mục tiêu của cô chỉ là phấn đấu vào chung kết ở 1 nội dung. Tất nhiên, các VĐV của TTVN đều đã cố gắng và nỗ lực hết sức, nhưng nếu cứ lấy điều đó để lý giải cho mỗi thất bại thì cũng không nên. 4 năm nữa, Thế vận hội Tokyo 2020 sẽ diễn ra.

Đây là thời điểm mà các nhà quản lý cần ngồi lại, vạch ra lộ trình, khoanh vùng cụ thể những VĐV có khả năng tranh chấp Huy chương để tiếp tục đầu tư mạnh mẽ. Ánh Viên hay Thạch Kim Tuấn tuổi đời còn trẻ nên ít nhiều vẫn còn cơ hội. Nhưng Hoàng Xuân Vinh hay Tiến Minh đều đã luống tuổi và thật khó để có thể thi đấu đỉnh cao sau đây 4 năm.

Với Tiến Minh, thậm chí anh đã khẳng định đây là kỳ Olympic cuối cùng của mình. Sự ra đi của anh để lại một khoảng trống không nhỏ cho cầu lông, môn thi mà chúng ta ít nhiều cũng có cơ hội giành dù chỉ là HCĐ. 

Tấm HCV của Hoàng Xuân Vinh là động lực nhưng cũng là sức ép không hề nhỏ cho TTVN ở Olympic 2020. Thể thao là phải tiến lên chứ không thể thụt lùi. Chúng ta phải hướng đến Thế vận hội đó với mục tiêu giành nhiều hơn 1 HCV và 1 HCB như hiện tại, chứ không thể “trắng tay” như cách từng thể hiện ở London 2012.

Trên thực tế, sự chuẩn bị cho các kỳ Olympic của TTVN thường chỉ diễn ra 1 năm trước khi khởi tranh. Đó là một tư duy cần phải thay đổi. SEA Games cũng quan trọng, nhưng đó không còn là đấu trường mà chúng ta hướng tất cả về đó nữa. Khi đầu tư trọng điểm cho VĐV nào đó vì mục tiêu Olympic, kết quả chắc chắn sẽ khác so với việc đầu tư để giành HCV SEA Games!