Hợp tác đa phương giải quyết các thách thức chung toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thế giới đang đứng trước nhiều thách thức nghiêm trọng, từ các vấn đề an ninh truyền thống như xung đột vũ trang đến vấn đề an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh năng lượng hay đói nghèo và bất bình đẳng dẫn tới chia rẽ, mâu thuẫn và xung đột mà đơn lẻ một quốc gia hay nhóm quốc gia đều khó có thể giải quyết nếu không có nỗ lực chung của các quốc gia, cộng đồng quốc tế.

Thế giới đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng

Lên tiếng tại Phiên thảo luận mở cấp Bộ trưởng với chủ đề “Chủ nghĩa đa phương hiệu quả thông qua bảo vệ các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc” do Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tổ chức, đại diện nhiều nước đã cho rằng, cần phải thúc đẩy chủ nghĩa đa phương hiệu quả tất cả các quốc gia có trách nhiệm tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Phiên họp diễn ra tại Trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ) ngày 25-4 này do Ngoại trưởng Nga (nước Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tháng 4-2023) Sergei Lavrov chủ trì với sự tham dự, phát biểu của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres và đại diện hơn 50 nước thành viên.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang khẳng định quan điểm nhất quán của Việt Nam là giải quyết hòa bình các tranh chấp

Đại sứ Đặng Hoàng Giang khẳng định quan điểm nhất quán của Việt Nam là giải quyết hòa bình các tranh chấp

Phiên thảo luận trên tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc diễn ra vào thời điểm mà thế giới đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng về an ninh, kinh tế, môi trường, đói nghèo… Trong đó, nghiêm trọng nhất và đang thu hút sự quan tâm với nỗi lo lắng sâu sắc của cả thế thế giới là cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine không chỉ cuốn hai quốc gia này vào vòng xoáy chiến sự khốc liệt khiến hàng chục nghìn người thương vong, hàng triệu người phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn, cơ sở hạ tầng bị tàn phá nặng nề… mà còn làm bùng phát một “điểm nóng” rực lửa ngay trong lòng châu Âu. Cuộc xung đột này còn là nguyên nguyên trực tiếp dẫn tới cuộc khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng lương thực cùng cuộc chiến trừng phạt gây ra sự chia rẽ, rạn nứt trên toàn cầu.

Cuộc xung đột quân sự tại Ukraine và cuộc chiến kinh tế giữa Mỹ và phương Tây với Nga đã gây chấn động, cuốn nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới vào vòng xoáy, đẩy giá năng lượng, phân bón và lương thực tăng vọt khiến hàng trăm triệu người lâm vào nạn đói ở châu Phi và Trung Đông, cũng như góp phần khiến nhiều quốc gia rơi vào bất ổn kinh tế và xã hội. Vòng xoáy nhiều tầng của cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine là tác nhân quan trọng bậc nhất khiến tỷ lệ lạm phát tăng đột biến tại nhiều quốc gia, dẫn tới những hệ lụy nghiêm trọng khác. Tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine càng thêm nặng nề khi mà thế giới còn chưa gượng dậy sau 2 năm bị “cơn bão” đại dịch Covid-19 hoành hành. Chuỗi cung ứng toàn cầu vốn được “khơi thông” do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, lại tiếp tục bị tác động, gián đoạn bởi cuộc “điểm nóng” xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine, cùng với đó là cuộc chiến trừng phạt kinh tế không ngừng leo thang từ hai phía với sự tham gia của nhiều quốc gia là những nền kinh tế lớn trên thế giới.

Không nóng bằng cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine song khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có những điểm nóng căng thẳng, đối đầu nguy cơ bùng phát mạnh bất cứ lúc nào. Trong đó, nổi lên là vấn đề hạt nhân cùng đối đầu trên bán đảo Triều Tiên, căng thẳng giữa hai bờ eo biển Đài Loan (Trung Quốc), tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Điếu Ngư/Senkaku… Là tuyến vận tải biển huyết mạch của nền kinh tế khu vực và thế giới cùng vị trí địa - chính trị quan trọng toàn cầu, song những đòi hỏi chủ quyền phi lý và phi pháp khiến Biển Đông nhiều lần dậy sóng. Đặc biệt, việc tiến hành quân sự hóa cùng các hành động hung hăng, gây hấn và bắt nạt dựa trên sức mạnh luôn tiềm ẩn nguy cơ dẫn tới va chạm và xung đột nguy hiểm ở Biển Đông.

Giải quyết hòa bình các tranh chấp, xung đột

Nhìn vào những thách thức chung toàn cầu mà thế giới đang phải đối mặt, rõ ràng một quốc gia hay nhóm quốc gia dù hùng mạnh đến đâu cũng khó có thể giải quyết. Nếu không muốn nói là những nỗ lực đơn phương mà đi liền với đó là lợi ích đơn phương có thể còn khiến cho những thách chung toàn cầu trở nên trầm trọng hơn, cuốn khu vực và thế giới vào vòng xoáy bất ổn, khủng hoảng. Thực tế đã khẳng định, thách thức chung toàn cầu đòi hỏi phải có nỗ lực chung của cả cộng đồng quốc tế cùng các quốc gia trên thế giới để cộng đồng trách nhiệm, chung sức góp phần giải quyết. Những thách thức toàn cầu đòi hỏi các giải pháp toàn cầu cho dù các quốc gia trên thế giới, với sự xung khắc về lợi ích và khác biệt về quan điểm, không dễ để “ngồi cùng nhau” vào lúc này, song không có cách thức nào khác để có thể giải quyết thách thức chung.

Dù tình hình phức tạp trên thế giới hiện nay cũng như sự phân cực, chia rẽ sâu sắc hiện nay đã làm cho không ít người suy giảm niềm tin vào chủ nghĩa đa phương và khả năng ứng phó hiệu quả với các thách thức toàn cầu, nhưng chắc chắn tình hình sẽ còn tồi tệ hơn nếu không có chủ nghĩa đa phương để cùng chia sẻ quan điểm, nhất là cùng chung sức giải quyết. Chủ nghĩa đa phương là cơ chế duy nhất mà tất cả các quốc gia, bất kể quy mô và mức độ giàu nghèo, đều bình đẳng và được đối xử bình đẳng và tôn trọng để cùng nỗ lực giải quyết thách thức chung toàn cầu. Phát huy vai trò tích cực của chủ nghĩa đa phương, các quốc gia trên thế giới đều cần nỗ lực để củng cố lòng tin chiến lược, sự tôn trọng lẫn nhau, cũng như duy trì tất cả các nền tảng và nguyên tắc sáng lập Liên hợp quốc. Trên cơ sở đó, mọi bất đồng, tranh chấp và xung đột phải được giải quyết bằng con đường thương lượng, đàm phán.

Tại Phiên họp “Chủ nghĩa đa phương hiệu quả thông qua bảo vệ các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc”, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng, hợp tác quốc tế và chủ nghĩa đa phương vừa là khởi nguồn, vừa là trung tâm và tầm nhìn định hướng đối với mọi hoạt động của Liên hợp quốc. Theo ông, cộng đồng quốc tế cần coi các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế như tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của tất cả các quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ, ngăn ngừa xung đột, giải quyết hòa bình các xung đột, tranh chấp và loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử là nền tảng vững chắc để ứng phó hiệu quả với những biến động và thách thức phức tạp của tình hình quốc tế hiện nay.

Phát biểu tại Phiên thảo luận của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc cho rằng, để thúc đẩy chủ nghĩa đa phương hiệu quả tất cả các quốc gia có trách nhiệm tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, nhất là nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình tất các tranh chấp trên cơ sở các tiến trình pháp lý và ngoại giao. Cùng với đó, cần tận dụng mọi nguồn lực và cơ hội để ngăn ngừa xung đột và đạt giải pháp cho hòa bình và an ninh.

Đại diện Việt Nam khẳng định, chủ nghĩa đa phương chỉ hiệu quả nếu có sự thiện chí, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau với tinh thần cởi mở, bao trùm và bình đẳng. Đối thoại xây dựng và tôn trọng các quyền lợi chính đáng của tất cả các bên trên cơ sở luật pháp quốc tế cũng đóng vai trò quan trọng trong giải quyết các khác biệt và giảm căng thẳng. Đại sứ nhấn mạnh, Liên hợp quốc và các cơ quan chính trong hệ thống cần tiếp tục đóng vai trò trung tâm, thúc đẩy hợp tác, đối thoại và đoàn kết. Việt Nam ủng hộ vai trò của Hội đồng Bảo an trong việc bảo đảm tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và pháp quyền như đã khẳng định trong Tuyên bố của Chủ tịch Hội đồng Bảo an hồi tháng 1-2020 do Việt Nam chủ trì đề xuất.