
Muốn gì thì V-League cũng cần phải “sạch” trước đã
Đề xuất áp dụng tổ chức cá cược bóng đá hợp pháp không mới, bởi ngay từ năm 1997, VFF đã xây dựng đề án, cử các đoàn khảo sát sang Singapore, Malaysia, Trung Quốc… nghiên cứu, học hỏi. 10 năm sau, bản dự thảo đề án được VFF xây dựng khá công phu được trình lên Bộ VH-TT&DL và Bộ Tài chính, nhưng đến nay chưa được thông qua. Và việc hiện thực hóa đề án này được VFF khóa VII (2014-2019) đặt lên hàng đầu. Một quan chức VFF từng tham gia xây dựng đề án ước tính, nếu tổ chức cá cược hợp pháp sẽ giúp Việt Nam “giữ lại” khoảng 2 tỷ USD có thể “chảy” ra nước ngoài thông qua các hình thức cá cược bất hợp pháp. Và từ việc giữ lại được khoản tiền khổng lồ đó sẽ dùng một phần để đầu tư lại cho bóng đá, đặc biệt là công tác đào tạo trẻ.
Trên thực tế, dự thảo về vấn đề này đã được Bộ Tài chính trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo xem xét hồi tháng 8-2013, nhưng mới dự tính thử nghiệm kinh doanh đua ngựa, đua chó, bóng đá quốc tế chứ chưa áp dụng cho bóng đá quốc nội. Nói cách khác, các trận đấu ở V-League, hạng Nhất, Cúp quốc gia do VFF tổ chức, quản lý vẫn chưa thể “lên sàn” cá cược hợp pháp. Và như thế, những vụ móc ngoặc với nhà cái nước ngoài để cá độ, làm độ như vụ 9 cầu thủ Ninh Bình hay 6 cầu thủ Đồng Nai vừa bị phanh phui, vẫn còn đất sống. Thế nên, chẳng ai dám khẳng định, nếu cá cược hợp pháp được áp dụng sẽ làm giảm tiêu cực ở các giải đấu quốc nội, thậm chí đó còn là “động lực” khiến tiêu cực bùng phát nếu không được quản lý đúng cách.
Rất khó có thể thuyết phục các cơ quan có thẩm quyền cho phép áp dụng cá cược hợp pháp khi mà chính bản thân nhà tổ chức vẫn chưa thể chứng minh được tính minh bạch ở các trận đấu, giải đấu do mình tổ chức. Có lẽ, việc cần làm lúc này của nhà tổ chức giải là tạo niềm tin nơi người hâm mộ bằng cách xây dựng một giải đấu sạch, trước khi kêu gọi sự ủng hộ của các bên.