Hơn 80% người mù nghèo chưa được mổ đục thủy tinh thể

(ANTĐ) - Hiện nay, kỹ thuật phẫu thuật đục thủy tinh thể đã được thực hiện phổ biến tại hầu hết các BV chuyên ngành mắt ở nước ta, với hiệu quả rất cao. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều người mù nghèo trong cộng đồng chưa được tiếp cận với kỹ thuật này.

Hơn 80% người mù nghèo chưa được mổ đục thủy tinh thể

(ANTĐ) - Hiện nay, kỹ thuật phẫu thuật đục thủy tinh thể đã được thực hiện phổ biến tại hầu hết các BV chuyên ngành mắt ở nước ta, với hiệu quả rất cao. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều người mù nghèo trong cộng đồng chưa được tiếp cận với kỹ thuật này.

Nguyên nhân gây mù hàng đầu

Theo thống kê của BV Mắt Trung ương, hiện cả nước có khoảng 380.000 người mù 2 mắt, trong đó có 251.700 người mù do đục thủy tinh thể (ĐTTT) và mỗi năm lại có thêm khoảng 85.000 người mù cả 2 mắt, 85.000 người mù 1 mắt mới. Bên cạnh các bệnh mù do glocôm, teo nhãn cầu, tật khúc xạ… thì ĐTTT vẫn là nguyên nhân gây mù lòa hàng đầu ở nước ta hiện nay. Ngoài ra, nhiều nguyên nhân gây mù mới xuất hiện và có xu hướng ngày càng tăng trong những năm gần đây như tật khúc xạ ở trẻ em, học sinh, bệnh võng mạc tiểu đường ở người lớn…

Rất đông bệnh nhân ngồi chờ khám mắt tại BV Mắt Trung ương

Rất đông bệnh nhân ngồi chờ khám mắt tại BV Mắt Trung ương

GS.TS. Đỗ Như Hơn, Giám đốc BV Mắt Trung ương cho biết, với các bệnh nhân bị mù do ĐTTT, việc phẫu thuật thay thủy tinh thể bị mờ bằng thủy tinh thể nhân tạo đem lại hiệu quả rất cao với hơn 90% bệnh nhân sau phẫu thuật có cải thiện thị lực. Đặc biệt ở nước ta hiện nay, kỹ thuật phẫu thuật tán nhuyễn thủy tinh thể bằng sóng siêu âm (Phaco) đã trở nên rất phổ biến, hiệu quả điều trị cao hơn nhiều. Trong 2 năm qua, với sự hỗ trợ về kinh phí của Bộ Y tế (khoảng 1 tỷ đồng mỗi năm), hoạt động mổ ĐTTT giải phóng mù lòa ở nước ta đã thu được nhiều kết quả. Tính riêng hệ thống BV công lập đã phẫu thuật ĐTTT cho khoảng 132.419 ca vào năm 2009, trong đó có 39.537 ca mổ theo phương pháp Phaco (chiếm 29,9%). Các cơ sở y tế tư nhân cũng đã mổ khoảng 30.000 ca… Nhờ vậy, tỷ lệ mù lòa trong dân số đã giảm đáng kể.

Tuy vậy, theo báo cáo của các tỉnh/thành phố trên cả nước trong năm qua, mới chỉ có 20.409 ca mổ ĐTTT ở cộng đồng được phẫu thuật, chiếm tỷ lệ rất nhỏ (khoảng 15,4%). Do chi phí thực hiện phẫu thuật ĐTTT bằng Phaco hiện còn cao, khoảng 5-6 triệu đồng/ca, trong khi các chương trình hỗ trợ phẫu thuật ĐTTT theo chương trình mục tiêu vẫn chưa triển khai sâu rộng đến các địa phương nên hiện vẫn còn nhiều người mù nghèo (chiếm từ 15% đến 35%) không có cơ hội được tiếp cận kỹ thuật này, đồng nghĩa với việc họ đang phải sống chung với mù lòa hoặc tình trạng thị lực kém. Ước tính, hiện cả nước còn hơn 700.000 mắt cần được phẫu thuật ĐTTT.

Quan tâm tới chống mù tại chỗ

Theo TS. Hơn, một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng trên là thực trạng thiếu cán bộ, bác sĩ chuyên khoa mắt trầm trọng ở cấp cơ sở, hệ thống chăm sóc mắt ban đầu còn yếu kém, từ đó tạo ra lỗ hổng lớn trong việc sàng lọc, phát hiện sớm bệnh nhân. Nhiều bác sĩ dù đã được đào tạo nhưng khi về tuyến huyện không thể thực hiện được việc mổ ĐTTT vì thiếu dụng cụ và thiết bị phẫu thuật, buộc phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.

Đấy là chưa kể việc chuyển đổi phương pháp phẫu thuật từ mổ cổ điển sang mổ Phaco khiến nhiều bệnh nhân muốn được mổ Phaco ở các đơn vị tuyến tỉnh, Trung ương chứ không đi khám, điều trị tại tuyến dưới. Hơn nữa, do kỹ thuật mổ phaco ngày càng phổ biến nên nhiều nơi đã sao nhãng việc mổ cho người nghèo ở cộng đồng, mổ theo phương pháp cổ điển mà chỉ chú trọng phát triển kỹ thuật mổ Phaco ở tuyến tỉnh… Điều này càng tạo ra khó khăn lớn hơn về kinh tế cho các bệnh nhân nghèo khi phải vượt tuyến điều trị.

Trước thực trạng trên, tại hội nghị ngành mắt Việt Nam đang diễn ra ở Hà Nội, các chuyên gia cho rằng, ngoài nguồn kinh phí từ Trung ương và các đơn vị làm từ thiện, ngành mắt cần kêu gọi các địa phương tranh thủ tận dụng kinh phí hỗ trợ từ các nguồn, đặc biệt là của Quỹ Bảo hiểm y tế để đẩy mạnh công tác phòng chống mù lòa tại chỗ. Đây là nguồn hỗ trợ đáng kể, mỗi năm có thể lo cho khoảng 30.000 ca mổ ĐTTT là đối tượng bệnh nhân nghèo. Bên cạnh đó, công tác đào tạo cán bộ chuyên khoa mắt cho tuyến y tế cơ sở cũng cần được đẩy mạnh.

Bệnh đục thủy tinh thể là hiện tượng đục mờ thủy tinh thể khiến võng mạc không thu được hình ảnh, thị lực bệnh nhân suy giảm dẫn đến mù lòa. Bệnh chủ yếu xảy ra ở người trên 50 tuổi (chiếm hơn 80%), bên cạnh đó những bệnh nhân có các bệnh lý tiểu đường, tăng huyết áp, cận thị, chấn thương ở mắt… cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Các bác sĩ khuyến cáo, khi có triệu chứng mắt nhìn mờ, thị lực suy giảm, lóe sáng, ra nắng nhìn mờ hơn trong nơi râm mát…, bệnh nhân cần chủ động đi khám sớm để được phát hiện, điều trị.

Duy Tiến