Hộ kinh doanh lên doanh nghiệp có thể được miễn thuế 2 năm

ANTD.VN - Bộ Tài chính đề xuất doanh nghiệp nhỏ được áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 17%, doanh nghiệp siêu nhỏ là 15%.

Bộ Tài chính vừa đưa ra Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp (thuế TNDN) để lấy ý kiến rộng rãi.

Dự thảo nhằm mục đích thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, mở rộng sản xuất và khuyến khích các hộ, cá nhân kinh doanh chuyển đổi lên mô hình doanh nghiệp, hướng đến mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.

Theo đó, về chính sách khuyến khích hộ, cá nhân kinh doanh chuyển lên doanh nghiệp, Bộ Tài chính đưa ra hai phương án. Phương án 1 là miễn thuế TNDN trong 2 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với doanh nghiệp thành lập mới từ hộ, cá nhân kinh doanh.

Phương án 2 là giảm 50% số thuế TNDN phải nộp trong 2 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với doanh nghiệp thành lập mới từ hộ, cá nhân kinh doanh.

Về hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Tài chính đang đề xuất giảm thuế TNDN cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Theo đó, doanh nghiệp nhỏ áp dụng thuế suất 17% còn doanh nghiệp siêu nhỏ áp dụng thuế suất 15%.

Trong đó, doanh nghiệp siêu nhỏ là doanh nghiệp có tổng doanh thu năm dưới 3 tỷ đồng và có số lao động tham gia BHXH bình quân năm không quá 10 người. Doanh nghiệp nhỏ là doanh nghiệp có số lao động tham gia BHXH bình quân năm không quá 100 người, đồng thời đáp ứng điều kiện có tổng doanh thu năm từ 3 - 50 tỷ đồng.

Doanh thu làm căn cứ xác định doanh nghiệp thuộc đối tượng được áp dụng thuế suất 15% và 17% nêu trên là tổng doanh thu của năm trước liền kề. Trường hợp doanh nghiệp mới thành lập, Chính phủ quy định cụ thể tổng doanh thu làm căn cứ áp dụng.

Chính sách miễn, giảm thuế nhằm khuyến khích hộ, cá nhân kinh doanh chuyển lên doanh nghiệp

Tuy nhiên, mức thuế suất 15% và 17% không áp dụng đối với các trường hợp gồm: Thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng quyền góp vốn; thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản (trừ nhà ở xã hội quy định tại Luật thuế thu nhập doanh nghiệp), thu nhập từ chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác khoáng sản; thu nhập nhận được từ hoạt động sản xuất, kinh doanh ở ngoài Việt Nam.

Thu nhập từ hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu, khí, tài nguyên quý hiếm khác và thu nhập từ hoạt động khai thác khoáng sản; Thu nhập từ sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt;

Công ty con hoặc công ty có quan hệ liên kết mà doanh nghiệp trong quan hệ liên kết không phải là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ thuộc các đối tượng quy định tại Nghị quyết này.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, việc thực hiện các giải pháp này có thể làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 9.200 tỷ đồng/năm. Trong đó giải pháp giảm thuế suất cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ giảm khoảng 6.500 tỷ đồng/năm và giải pháp miễn thuế trong vòng 2 năm đối với doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh khoảng 2.722 tỷ đồng/năm.

Dù việc giảm nghĩa vụ này trong ngắn hạn có gây áp lực lên cân đối ngân sách nhưng về dài hạn, Bộ Tài chính cho rằng sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tăng tích tụ, tích lũy, tái đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, từ đó góp phần tăng thu từ thuế TNDN cho ngân sách nhà nước vào những năm sau.

Trên thực tế, việc giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đã được nêu trong luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018. Theo đó, luật này quy định: “Doanh nghiệp vừa và nhỏ được áp dụng có thời hạn mức thuế suất thuế TNDN thấp hơn mức thuế suất thông thường áp dụng cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế TNDN”.