HLV cho đội tuyển và “giấc mơ hóa rồng”

(ANTĐ) - Chỉ vài ngày nữa, danh tính HLV trưởng ĐTVN sẽ được VFF công bố. Chúng ta đã quen với việc dùng HLV ngoại và tuy đã có những HLV rời Việt Nam trong thất bại, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, phương án dùng HLV ngoại cho đội tuyển vẫn được coi là hợp lý hơn cả.

 HLV cho đội tuyển và “giấc mơ hóa rồng”

(ANTĐ) - Chỉ vài ngày nữa, danh tính HLV trưởng ĐTVN sẽ được VFF công bố. Chúng ta đã quen với việc dùng HLV ngoại và tuy đã có những HLV rời Việt Nam trong thất bại, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, phương án dùng HLV ngoại cho đội tuyển vẫn được coi là hợp lý hơn cả.

Nâng tầm bóng đá Việt Nam chưa bao giờ là một giấc mơ gần gũi

Nâng tầm bóng đá Việt Nam chưa bao giờ là một giấc mơ gần gũi

Lối chơi

Đã từ rất lâu, bóng đá Việt Nam luôn muốn tìm kiếm một “lối chơi Việt Nam”, mang bản sắc riêng và phù hợp với con người Việt Nam, phát huy được những điểm mạnh của cầu thủ Việt. Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận, các cầu thủ Việt Nam không có điểm mạnh gì quá đặc biệt. Những lời khen tặng kiểu “cầu thủ Việt Nam nhanh nhẹn và khéo léo” gần như chỉ mang tính ngoại giao. Các cầu thủ của chúng ta không nhanh và cũng không khéo hơn nếu so với các cầu thủ khác trong khu vực Đông Nam Á, chưa nói đến các đồng nghiệp của họ ở châu Âu hay Nam Mỹ.

Các HLV ngoại đến với ĐTVN gần như đã có luôn trong đầu một lối chơi của họ và họ chọn những con người phù hợp, áp đặt lối chơi đó lên đội tuyển. Nếu may mắn, thì lối chơi đó là phù hợp (phần nào ở HLV Calisto và Riedl), còn nếu không thì đó là thất bại (HLV Colin Murphy, Dido).

Thực tế, muốn xây dựng một lối chơi có bản sắc, thì bản thân nền bóng đá cũng phải có bản sắc, từ giải VĐQG, đến các tuyển trẻ và cao nhất là ĐTQG. Còn với cách làm bóng đá như chúng ta hiện nay, tại CLB các vị trí quan trọng dành cho các ngoại binh, còn việc giao người nắm các đội U theo kiểu “chia lộc”, không có sự đồng nhất về phương pháp đào tạo từ lứa bé đến lứa lớn, thì đến bao giờ mới có cái gọi là “bản sắc” của bóng đá Việt Nam.

Thành tích

HLV Dido khi đến làm việc với bóng đá Việt Nam đã từng tuyên bố “Tôi sẽ đưa Việt Nam đến World Cup”. Chắc hẳn không nhiều người tin vào điều này, nhưng dù sao cũng cho thấy được một mơ ước nào đấy của những vị HLV ngoại đến làm việc với bóng đá Việt Nam. Nhưng thực tế thì luôn phũ phàng, nhiệm vụ của thuyền trưởng tương lai của ĐTVN vẫn chỉ là chinh phục 2 “giấc mơ nhỏ” là SEA Games với đội U23 và AFF Cup với ĐTQG. Hai giải đấu nói trên thậm chí không được tính là giải đấu chính thức trong hệ thống thi đấu của FIFA, nhưng nó rất vừa sức với đội tuyển Việt Nam. Còn với các giải đấu cao hơn, ở cấp châu lục thì đơn giản chỉ là “cọ xát” và “rút ngắn khoảng cách”. 

Giả sử, HLV mới của chúng ta đưa được ĐTVN vào tham dự và có một thành tích tốt ở các giải đấu cấp châu lục và thế giới, thì đó là một chiến công vĩ đại, nhưng nó cũng chỉ giúp đem lại thêm cho bóng đá Việt Nam kinh nghiệm và sự tự tin, hay nói cách khác, nó là kết quả nhất thời, chứ chưa thể nâng tầm bóng đá Việt Nam trên bản đồ bóng đá thế giới.

Việc phát triển và nâng tầm bóng đá của một quốc gia cần một kế hoạch dài hơi, một chiến lược hợp lý, cần một sự hỗ trợ rất lớn về kinh phí và đó là nhiệm vụ của các nhà quản lý thể thao, cụ thể là VFF, chứ không phải là của HLV trưởng ĐTQG. Ông ta đơn giản chỉ là một mắt xích thực hiện một phần của kế hoạch đó. Và với một bản hợp đồng ngắn hạn, nếu không có sự “can thiệp” đúng mức từ liên đoàn bóng đá, thì HLV nào cũng sẽ tìm cách đạt được thành tích bằng mọi giá, để có cơ hội kiếm được một bản hợp đồng khác tốt hơn.

Sự quan tâm, kỳ vọng đối với HLV trưởng sắp tới của ĐTVN là rất lớn, tuy nhiên, sự kỳ vọng đó nên chuyển đến VFF, những người quản lý và điều hành bóng đá Việt Nam, nếu thật sự chúng ta có một ước mơ bóng đá Việt Nam sẽ “hóa rồng”. Còn với người sẽ được VFF chọn sắp tới, chúng ta chỉ biết nói “Xin cảm ơn đã đến đây và chúc ông may mắn!”.

ANH LƯU TUẤN