Hình ảnh xe buýt ngày càng xấu đi

ANTĐ - Từ lâu hình ảnh xe buýt không mấy thiện cảm trong mắt người dân Thủ đô, đặc biệt, xe buýt còn được ví như “hung thần đường phố”. Chất lượng dịch vụ đi xuống, đạo đức lái xe thấp khiến người dân Thủ đô dần dà xa lánh xe buýt.

Xe buýt xả khói mùi mịt vào mặt người tham gia giao thông trên phố Lò Đúc. Ảnh: GĐXH


Phóng nhanh, vượt ẩu là phổ biến

Ông Nguyễn Hoàng  Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội đặt câu hỏi, tại sao người dân Thủ đô lại không mặn mà, quay lưng với xe buýt, tại sao tỷ lệ người dân sử dụng loại hình  vận tải công cộng (VTCC) này ngày một giảm đi? Ông Linh phản ánh: “Đối tượng nào sử dụng xe buýt hiện nay, đó là học sinh, sinh viên, là những lao động có mức thu nhập thấp, trung bình, không thể sử dụng phương tiện cá nhân để đi làm. Còn lại, phần lớn người dân không sử dụng xe buýt làm phương tiện đi lại”.

Ông Linh dẫn chứng, bản thân tôi cũng đi xe buýt rất nhiều và thấy chất lượng dịch vụ của loại hình VTCC này có vấn đề. Nhân viên lái, phụ xe thiếu văn minh, nói năng thô lỗ, tục tằn với hành khách, nghiêm trọng hơn, một số trường hợp còn chửi bới, đánh đập hành khách vì những lý do rất nhỏ. An ninh xe buýt đang mất trật tự nghiêm trọng, hành khách bị mất trộm đồ đạc, bị móc, rạch túi thường xuyên xảy ra trên khắp các tuyến xe. Thêm vào đó, chất lượng xe xuống cấp. “Hình ảnh này rất phản cảm, tạo nên sự ác cảm của người dân với xe buýt Thủ đô. Người dân Thủ đô tham gia giao thông trên đường đều đã từng ít nhất một lần bị xe buýt tăng tốc, phả khói đen vào mặt”, ông Linh nhận xét.

Nên rút giấy phép nếu tái phạm nhiều lần

Đồng tình với những nhận xét trên, ông Hoàng Văn Mạnh, Phó chánh Thanh tra GTVT Hà Nội cho rằng, ngoài những bức xúc trên thì hiện tượng xe buýt phóng nhanh, vượt ẩu, chèn ép các phương tiện tham gia giao thông khác, xe buýt còn nhả khói đen, hay quảng cáo trên xe quá rách nát, bẩn, gây mất thiện cảm, ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của phương tiện GTCC này. “Đáng báo động là đạo đức, văn hóa, lối hành xử của một số lái xe, phụ xe thấp, dẫn đến xô xát, đánh nhau với hành khách, gây dư luận không tốt trong lòng người dân”, ông Mạnh cho biết.

Khảo sát của Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị cho thấy, có đến 65% hành khách phàn nàn về xe chậm  giờ, 16% phàn nàn về thái độ phục vụ kém và 4% người dân kêu ca vì lái xe chạy ẩu… Không những vậy, tình trạng bỏ chuyến, thiếu hụt chuyến xảy ra khá phổ biến. Trong năm 2010, Thanh tra sở GTVT đã khảo sát chuyến lượt và các lỗi vi phạm của 52 tuyến xe buýt. Thực tế số lượt xe chạy là 13.475 so với biểu đồ là 14.922 lượt, thiếu 922 lượt so với thực tế. Còn tính từ đầu năm đến nay, thanh tra sở đã lập biên bản xử lý 73 trường hợp xe buýt vi phạm, phạt tiền 63,4 triệu đồng, tạm giữ 9 xe buýt vi phạm. Ông Linh cho biết, một số doanh nghiệp báo cáo có duy tu, thay mới xe buýt, nhưng thực chất, chỉ là luân chuyển xe từ tuyến này sang tuyến khác. 

Theo ước tính, năm 2011, ngân sách TP sẽ trợ giá cho xe buýt khoảng 1.000 tỷ đồng. Ông Linh nhận định, đây là số tiền lớn, chứng tỏ TP rất quan tâm và tạo điều kiện cho xe buýt, song hoạt động này lại chưa đáp ứng được yêu cầu. 

Do vậy, trong thời gian tới, lãnh đạo sở GTVT yêu cầu các đơn vị cần điều chỉnh lộ tuyến cho phù hợp, những tuyến phố cổ, chật hẹp, nên bố trí loại xe nhỏ, mật độ vừa phải. Bên cạnh đó, ông Mạnh kiến nghị, sở GTVT nên giảm bớt tần suất, chuyến lượt xe buýt thường xuyên vi phạm, thậm chí rút giấy phép kinh doanh. Nâng cao chất lượng phục vụ cũng như đạo đức của nhân viên lái xe, dần dà thay đổi cách nhìn của người dân Thủ đô đối với xe buýt, thu hút người dân trở lại với loại hình VTCC này.