Hiệu ứng Al-Zeidi
(ANTĐ) - Vụ phóng viên Muntadhar Al-Zeidi của một đài truyền hình Iraq ném giày về phía Tổng thống Mỹ Georger W. Bush đang trở thành đề tài thời sự nóng hổi khắp thế giới. Trong khi Chính phủ Iraq đưa Al-Zeidi ra tòa xét xử thì nhiều người dân lại xem phóng viên này như một người hùng.
Biểu tình ủng hộ Al-Zeidi và đòi Mỹ rút quân khỏi Iraq |
Không ngờ vụ phóng viên Al-Zeidi ném giày về phía Tổng thống Bush trong cuộc họp báo ở Baghdad lại gây một hiệu ứng mạnh đến thế tại Iraq cũng như trong thế giới Hồi giáo Arab. Hàng nghìn người dân Iraq đã xuống đường biểu tình đòi trả tự do ngay cho phóng viên Al-Zeidi và rút hết quân Mỹ về nước.
Hiện Al-Zeidi đang bị tạm giam để chờ ngày ra tòa về tội làm nhục nhà lãnh đạo, cả Tổng thống Bush và Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki. Nếu bị kết án, phóng viên Al-Zeidi có thể phải chịu mức án tối đa 2 năm tù giam.
Làn sóng ủng hộ phóng viên Al-Zeidi và chống Mỹ còn lan nhanh sang nhiều quốc gia Hồi giáo Arab. Từ các nước đồng minh cho tới những nước được xem là chống Mỹ như Arab Saudi, Pakistan, Lybia, Syria... nhiều người đã biểu tình ủng hộ hành động của phóng viên Iraq và phản đối Mỹ xâm chiếm Iraq.
Đối với những người biểu tình, Al-Zeidi là một người hùng bởi dám đứng lên công khai phản kháng chính người đã ra lệnh phát động cuộc tấn công quân sự vào Iraq. Cuộc tấn công đã dẫn tới tình trạng an ninh bất ổn, bạo lực lan tràn làm hàng chục nghìn thường dân Iraq thiệt mạng từ đầu năm 2003 tới nay.
Không chỉ nóng trên đường phố, vụ “hai chiếc giày bay” đã trở thành vấn đề tranh cãi gay gắt tại Quốc hội Iraq ngày 17-12, thậm chí gây ra cảnh hỗn loạn ngay tại cơ quan lập pháp cao nhất này. Cuộc khẩu chiến đã nổ ra cực kỳ quyết liệt giữa hai phe, một bên cho là chuyện của tòa án nhưng một bên lại khăng khăng đòi thông qua nghị quyết đòi trả tự do ngay cho Al-Zeidi.
Cuộc cãi vã đã làm hỗn loạn cả phiên họp của Quốc hội Iraq khi không bên nào chịu bên nào. Tuyên bố từ chức đầy bất ngờ của Chủ tịch Quốc hội Mahmoud Al-Mashhadani do không thể kiểm soát được tình hình càng làm nóng thêm “hiệu ứng Al-Zeidi” trong xã hội và chính trường Iraq.
Vụ xét xử phóng viên Al-Zeidi về hành động biểu thị sự phản kháng đối với cuộc chiến tranh Iraq của Mỹ như một cú hích mạnh làm bật tung chiếc lò xo kìm nén thời gian qua về sự hiện diện của quân Mỹ tại Iraq trong tương lai. Tháng trước, Nội các và Quốc hội Iraq đã thông qua thỏa thuận ký giữa Washington và Baghdad cho phép quân Mỹ ở lại Iraq tới năm 2012.
Hoàng Hà