Mexico:

Hết thời những cậu ấm cô chiêu “thích nổ”

ANTĐ - Trước những hành vi xấc xược, vô lối của thế hệ “cậu ấm, cô chiêu” xuất thân từ các gia đình quan chức, doanh nhân nổi tiếng, dân chúng Mexico gần đây đã có dấu hiệu phản ứng rõ ràng hơn, khiến cho giới thượng lưu hiểu rằng, chính các bậc phụ huynh cũng phải chịu trách nhiệm hoặc ít nhất đừng phô trương sự giàu có.

Andrea Benitez và vụ tai tiếng tại nhà hàng ở Mexico City

Trả giá vì “chơi trội”

Trên đường phố ở Mexico City, dễ dàng nhận ra tầng lớp con nhà “đại gia” với hình ảnh con trai mặc áo sơ mi hàng hiệu, không cài 3 nút trên cùng, con gái đeo túi xách và kính râm đắt tiền. Họ ngồi trên những chiếc xe thể thao, và theo sau luôn là một chiếc SUV màu đen với các vệ sĩ có vũ trang.

Đó là lớp “cậu ấm cô chiêu” ở những gia đình quan chức hay thương nhân nổi tiếng. Họ sống trong những ngôi nhà có tường rào cao bảo vệ, đi lại bằng máy bay riêng và dường như là bất khả xâm phạm ở một đất nước vẫn đang vất vả đấu tranh với nghèo đói và bạo lực.

 Nhưng chuyện lạ đã xảy ra khi lần đầu tiên thế hệ trẻ con nhà giàu ở Mexico này bị dư luận “ném đá”. Tháng 4-2013, Andrea Benitez, con gái của một chính trị gia có mối quan hệ rộng đến một nhà hàng nổi tiếng ở thành phố Mexico mà không đặt trước. Cô này đã nổi đóa khi không có được chiếc bàn mình muốn. Vì vậy, cô ta gọi thanh tra Profeco, cơ quan bảo vệ người tiêu dùng của chính phủ do cha cô lãnh đạo. Lực lượng thanh tra vội đóng cửa nhà hàng này.

Điều mà Andrea Benitez không ngờ tới là một bộ phận người dân Mexico đã không dung thứ cho hành động này. Trong vòng vài giờ, rất nhiều người đã sử dụng mạng xã hội để công kích Benitez và cha cô, chiến dịch xả tức giận “đổ bộ” trên Twitter, nơi người dùng gọi cô là LadyProfeco. Vài tuần sau, cha của Benitez, một người bạn của Tổng thống Enrique Pena Nieto đã buộc phải từ chức.

 Tương tự, hồi năm 2011, một đoạn video có chủ đề LadiesDePolanco lan tràn trên mạng khi nhắm vào hành vi sai trái của con gái một gia đình thượng lưu khác. Trong đoạn băng, hai phụ nữ trẻ say rượu trong khu phố sang trọng Polanco ở Mexico City đã xúc phạm cảnh sát khi bị dừng xe vì vi phạm giao thông. Những người này quát tháo, gọi cảnh sát là “người làm công ăn lương” rồi lái xe đi. Video đã khiến dư luận vô cùng bức xúc, sau đó hai nhân vật chính đã được làm rõ nhân thân, họ phải trả tiền phạt và công khai xin lỗi.

Phô trương cũng… gặp hạn

Trường hợp cha con Andres Granier, cái tên được báo chí Mexico “săn sóc” thời gian gần đây là một ví dụ. Ông Granier xuất thân từ nhà hóa học trở thành Thống đốc của bang Tabasco nghèo khó nhiệm kỳ         2007- 2012. Mới đây, có người tiết lộ đoạn băng ghi lại cuộc trò chuyện giữa ông Granier và con trai trong chuyến du lịch mua sắm tại Mỹ. Cựu Thống đốc này nói trong tủ quần áo ông có 1.000 chiếc áo, 300 đôi giày hiệu và 400 bộ véc. Dù thanh minh rằng hôm đó ông say rượu nói bừa nhưng các nhà điều tra tham nhũng sau đó đã tìm thấy 8 triệu USD tiền mặt tại nhà. Còn con trai ông - Fabian Granier cũng từng “nổ” khi đăng ảnh trên Facebook về cuộc du ngoạn với bạn bè bằng chiếc máy bay thuộc sở hữu của chính quyền bang. Hai cha con nhà này còn phủ nhận cáo buộc của các đảng đối lập rằng Fabian đã mua căn hộ cao cấp ở Cancun và một chiếc du thuyền.

 Gần đây, nhiều trường hợp “cậu ấm cô chiêu” Mexico tự chuốc lấy rắc rối vì quá phô trương lối sống xa xỉ trên Facebook. Năm ngoái, một tờ báo địa phương đăng tải hình ảnh các cô con gái của vị đứng đầu công đoàn dầu khí Mexico đi du lịch khắp thế giới bằng máy bay riêng cùng 3 con chó bun. Những hình ảnh được lấy từ trang Facebook của họ gây ra một sự phẫn nộ trong công chúng khiến chủ trang Facebook không dám dùng tài khoản này nữa.

Không còn đặc quyền

Cuộc cách mạng 1910-1917 ở Mexico đã loại bỏ khoảng 1 triệu người, chủ yếu giai cấp quý tộc và địa chủ. “Cuộc cách mạng đã mở ra một lớp người hoàn toàn mới. Hệ thống bảo trợ và tham nhũng liên tiếp sau đó đã làm cho họ trở nên vô cùng giàu có. Nhưng họ không biết quản lý tiền bạc thế nào, cũng không bao giờ dạy con cái mình về điều đó”, Lorenzo Meyer, nhà sử học hàng đầu của Mexico nói. Bởi thế, ngay từ nhỏ, con em của tầng lớp nhà giàu mới nổi đã cảm nhận được thế nào là quyền lực và đặc quyền. Nhưng ở đâu cũng vậy, đặc quyền cũng không thể vượt trên luật pháp.

 Tháng 2-2013, Jorge Emilio Gonzalez, lãnh đạo Đảng Xanh ở Mexico bị bắt vì lái xe say rượu. Đây là một trong những quý tử nổi tiếng nhất Mexico. Ông Gonzalez kế nhiệm từ người cha lúc mới 29 tuổi và dù giờ đã ở tuổi 41 vẫn được gọi là “El Nino Verde” hay “Quý tử Xanh”. Jorge Emilio Gonzalez hôm đó lái chiếc Mercedes màu đen nói với cảnh sát rằng mình chỉ uống có “4 ly rượu tequila”. Ông này từ chối xét nghiệm nồng độ cồn qua hơi thở và khai tên giả. Sau đó, hai vệ sĩ của ông đưa cho 4 cảnh sát mỗi người 180 USD để ông ta đi. Không hối lộ được, các vệ sỹ sử dụng vũ lực để giải thoát cho El Nino Verde.

 “Các ông không biết đang gây gổ với ai đâu”, ông Gonzalez hét vào mặt cảnh sát khi bị kèm vào xe tuần tra, cảnh sát Antonio Caracheo kể với báo chí. Vụ bắt giữ đã trở thành tin tức nóng hổi trên trang nhất của các tờ báo địa phương, làm dấy lên tranh cãi mới khi dư luận biết rằng không hiểu bằng cách nào mà luật sư của ông Gonzalez thu xếp để thân chủ của mình có thể ra ngoài sau vài giờ, thay vì bị giữ 1 ngày như pháp luật quy định. Kết quả là “quý tử” Gonzalez ngượng ngùng quay lại đồn cảnh sát cho đủ thời gian tạm giữ. 

 “Người giàu ở đất nước này hành động như thể họ sở hữu nơi này và hầu như không bao giờ phải chịu trách nhiệm. Vì vậy, các sự việc gần đây cho thấy quan niệm của công chúng đã thay đổi, bắt đầu có sự phản kháng. Tất cả chỉ là mới bắt đầu”, nữ nhà văn Guadalupe Loaeza nhận xét.