Hết niềm tin

(ANTĐ) - Bất chấp lời kêu gọi của bà Ngoại trưởng Mỹ H. Clinton trên truyền hình CBC News, Canada khẳng định sẽ rút binh sĩ nước này khỏi Afghanistan theo đúng kế hoạch vào năm 2011. Lại thêm một đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến Afghanistan quyết ra đi.

Hết niềm tin

(ANTĐ) - Bất chấp lời kêu gọi của bà Ngoại trưởng Mỹ H. Clinton trên truyền hình CBC News, Canada khẳng định sẽ rút binh sĩ nước này khỏi Afghanistan theo đúng kế hoạch vào năm 2011. Lại thêm một đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến Afghanistan quyết ra đi.

Lính Canada tại chiến trường Afghanistan
Lính Canada tại chiến trường Afghanistan

Tại một cuộc họp báo chớp nhoáng bên lề hội nghị Ngoại trưởng Nhóm G-8, Ngoại trưởng Canada L. Cannon tuyên bố rõ ràng rằng, không cần thiết phải tranh luận thêm về vai trò tương lai của Canada tại Afghanistan, sứ mệnh quân sự của nước này tại chiến trường Nam Á xa xôi sẽ kết thúc vào năm 2011.

Có thể nói trong số các đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến Afghanistan, Canada là nước tỏ rõ thái độ ủng hộ Washington từ rất sớm. Binh sĩ Canada được điều đến Afghanistan ngay từ năm 2002 và hiện vẫn có 2.500 binh sĩ nước này đóng tại miền Nam Afghanistan. Sự “tận tụy” của Canada với người đồng minh Mỹ còn thể hiện ở bằng chứng, đây là một trong những nước chịu tổn thất nặng nề nhất tại Afghanistan, với 141 binh sĩ thiệt mạng và hàng trăm binh sĩ bị thương.

Ấy vậy nhưng vào thời điểm khi Washington khẳng định đã tạo được những tiến triển trên chiến trường và lối thoát khỏi cuộc chiến Afghanistan đã hiện rõ, thì Canada lại quyết ra đi. Không lẽ tốn tiền, tốn của, đổ cả xương máu, Canada lại không muốn cùng tham gia khúc ca khải hoàn?

Thực ra, dưới cái cớ phải thực hiện đúng cam kết rút quân để dễ bề trấn an dư luận trong nước là sự nghi ngờ của Canada với những lời tuyên bố đầy lạc quan của người đồng minh về triển vọng cuộc chiến ở Afghanistan.

Thái độ ngờ vực này không phải không có lý. Chẳng hạn hôm 29-3 vừa rồi, các quan chức quân sự Mỹ cấp cao khẳng định sẽ đánh bật Taliban khỏi thành trì của lực lượng này là thành phố

Kandahar vào đầu tháng 8-2010, trước tháng linh thiêng Ramadan của người Hồi giáo, trong một cuộc tấn công lớn bắt đầu từ tháng 6-2010. Thế nhưng trong cuộc trả lời phỏng vấn được phát sáng 30-3 trên kênh NBC, Tổng thống Mỹ B. Obama lại thừa nhận: “Tôi nghĩ tiến bộ ở đó (Afghanistan) là quá chậm, và điều mà chúng tôi đang tìm cách nhấn mạnh là tính vô cùng cấp bách vào thời điểm hiện nay”.

Trong bối cảnh đó, nếu đồng ý với đề nghị của Washington tiếp tục duy trì khoảng 500-600 quân tại Afghanistan, chắc chắn Canada sẽ phải chi thêm tiền, chấp nhận có thêm những chiếc quan tài đưa về nước từ chiến trường Afghanistan. Khi đã mất niềm tin mà vẫn tiếp tục mạo hiểm thì đó có thể coi là quyết định thiếu sáng suốt. Thêm vào đó, hiện giờ Chính phủ do đảng Bảo thủ nắm quyền ở Canada đang phải chịu rất nhiều sức ép của Quốc hội và dư luận trong nước đòi sớm rút quân về nước. Nếu cứ lao theo cuộc phiêu lưu của Mỹ, đảng Bảo thủ có thể mất luôn vai trò chính trị trên chính trường Canada.

Xem ra, thà mất lòng với người đồng minh còn hơn là mất luôn vai trò chính trị đang là sự lựa chọn của đảng Bảo thủ Canada. Tất nhiên là Washington rất bức xúc trước quyết định của người hàng xóm Canada. Để không làm mất mặt người đồng minh Mỹ, Ngoại trưởng Canada L. Cannon tạm thời xoa dịu bằng tuyên bố nước này có thể tìm kiếm một vai trò phi quân sự sau thời hạn rút quân vào năm 2011

Hoàng Sơn