Hệ lụy của đói nghèo

ANTĐ - Phải mất 3 tuần sau cuộc bạo loạn tại Thủ đô London và nhiều thành phố lớn khác thì nguyên nhân dẫn tới cuộc bạo loạn được xem là tồi tệ nhất tại nước Anh trong vòng 1/4 thế kỷ qua mới dần được sáng rõ.

Cuộc bạo loạn bùng phát tại London ngày 6-8, sau đó lan ra nhiều thành phố khác của nước Anh xuất phát trực tiếp từ vụ cảnh sát bắn chết người lái xe taxi da màu Mark Duggan, 29 tuổi, không có vũ khí. Cái chết của chàng thanh niên da màu này được xem là giọt nước tràn ly bất ổn, mâu thuẫn tích tụ từ lâu trong đời sống xã hội Anh. 

Hàng loạt phân tích, nhận định đã được đưa ra dưới rất nhiều góc độ để lý giải vì sao tại một quốc gia phát triển như Anh lại có thể xảy ra buộc bạo loạn kéo dài cả tuần lễ khiến 5 người thiệt mạng, hơn 2.140 người bị bắt giữ .

Đã có không ít ý kiến "đổ tội" và đòi chặn các mạng xã hội như Facebook, Twitter hay mạng tin nhắn Blackberry vì đã để các phần tử quá khích, cực đoan lợi dụng lôi kéo kích động mọi người tham gia các vụ bạo loạn. Tuy nhiên, sau các cuộc thảo luận trên "tinh thần xây dựng" với đại diện các mạng xã hội, Chính phủ Anh ngày 25-8 đã đi đến quyết định không chặn các mạng này và nhấn mạnh cần tăng cường hợp tác nhằm tránh bị lợi dụng để kích động những hành vi phản xã hội.

Đa số các phân tích cho rằng, một trong những nguyên nhân quan trọng nhất của làn sóng bạo loạn vừa qua ở nước Anh bắt nguồn từ chính sách “thắt lưng buộc bụng” của chính phủ dẫn đến khó khăn trong cuộc sống của một bộ phận người dân. Có thực tế là hầu hết những người tham gia bạo loạn đến từ các khu vực nghèo, nơi có tỷ lệ thất nghiệp cao và dịch vụ xã hội bị cắt giảm khiến cuộc sống ngày càng bi đát. 

Theo nhìn nhận của hãng Reuters, phần lớn phần tử bạo loạn đến từ những khu vực có tỉ lệ thất nghiệp cao, nơi các dịch vụ xã hội bị cắt giảm. Tottenham là minh chứng khi có tới 90% dân số nơi đây là người nhập cư đến từ các thuộc địa cũ của Anh ở châu Phi và cũng là quận có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất London.

Những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất thời buổi khó khăn kinh tế, nói như cựu Thị trưởng London Ken Livingstone là tầng lớp thanh niên. Số liệu do Bộ Giáo dục Anh công bố ngày 25-8 cho thấy, hiện có gần 1 triệu thanh niên trong độ tuổi từ 16-24 ở vùng England của nước này không có việc làm, cũng như không tham dự khóa học hoặc đào tạo nào trong quí II-2011. Số thanh niên "hai không" này chiếm 16,2% giới trẻ và tăng 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Trước những con số đáng báo động trên, người phát ngôn Chính phủ Anh phải cảnh báo, tỷ lệ thanh niên không đi học, không học nghề hoặc không có việc làm "đã ở mức quá cao và trong thời gian quá dài". Nói cách khác, đói nghèo, thất nghiệp và thất học là một trong những căn nguyên chính của cuộc bạo loạn vừa qua ở nước Anh.

Đúc rút kinh nghiệm từ cuộc bạo động vừa qua tại Anh, Tiến sỹ John Falzon, Tổng giám đốc điều hành cơ quan từ thiện Vincent de Paul- một tổ chức từ thiện nổi tiếng tại Australia- cho rằng việc làm ngơ, không đoái hoài tới số phận của những người cùng khổ sẽ mang lại những nguy hiểm khó lường.