Hành trình trốn chạy nghẹt thở của một nữ thủ lĩnh chống Taliban

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Salima Mazari, 39 tuổi, là một trong ba phụ nữ là lãnh đạo cấp huyện ở Afghanistan, đồng thời là thủ lĩnh của lực lượng dân quân chống Taliban. Trong cuộc chuyển đổi quyền lực đầy hỗn loạn ở Afghanistan hồi giữa tháng 8-2021, có tin đồn rằng Salima Mazari đã bị Taliban bắt giữ. Nhưng không, nữ chiến binh này đã trốn thoát với hành trình đầy nghẹt thở.
Người dân Afghanistan tập trung gần sân bay Kabul hôm 20-8 với hy vọng rời khỏi nước này sau khi Taliban lên nắm quyền trở lại

Người dân Afghanistan tập trung gần sân bay Kabul hôm 20-8 với hy vọng rời khỏi nước này sau khi Taliban lên nắm quyền trở lại

Cuộc tháo chạy của quan chức chính quyền cũ

Salima Mazari đứng đầu huyện Charkint, thuộc tỉnh Balkh, cách Kabul khoảng 230 dặm về phía Bắc. Gần thời điểm Kabul và Mazar-i-Sharif thất thủ, chiến sự tại Charkint diễn ra rất ác liệt. Taliban đã tấn công Charkint hơn 30 lần từ các hướng khác nhau.

Với dân số khoảng 32.000 người, Charkint là một khu vực miền núi gần biên giới với Uzbekistan. Từ khi trở thành lãnh đạo huyện vào năm 2018, Mazari đã đào tạo lực lượng dân quân cùng với chính quyền địa phương chống lại lực lượng Taliban. Khi xung đột nổ ra, nữ thủ lĩnh sẵn sàng cầm súng ra tiền tuyến. Bà thuộc dòng tộc Hazara, một dân tộc thiểu số theo dòng Hồi giáo Shia trong khi phần lớn người Afghanistan theo dòng Hồi giáo Sunni.

Lần cuối cùng Taliban chiếm giữ Mazar-i-Sharif là vào năm 1998, quân nổi dậy đã tàn sát khoảng 2.000 người Hazara, chủ yếu là đàn ông và bé trai. Mazari cũng từng sống sót sau một số cuộc phục kích và có thể đã nằm trong danh sách tấn công của Taliban. Trước bước tiến của Taliban, Mazari tin rằng lựa chọn duy nhất của bà là trốn thoát hoặc là chết.

Hôm đó, khi quân đội chính phủ đóng tại tỉnh Balkh đầu hàng Taliban, Mazari đang ở trong văn phòng của ông Mohammad Farhad Azimi - Thống đốc tỉnh. Bà nhớ lại cảm giác ngột ngạt khi thất bại ập đến: “Các thủ lĩnh dân quân ở Charkint liên tục gọi điện báo rằng các con đường dẫn vào huyện đã bị chặn và Taliban đang mai phục. Thống đốc tỉnh Azimi gợi ý tìm đường qua biên giới Uzbekistan. Họ sẽ tới thị trấn Hairatan, cách Mazar-i-Sharif khoảng 75 phút lái xe, chỉ cần qua cây cầu hữu nghị Afghanistan - Uzbekistan bắc qua sông Amu là được an toàn. Chúng tôi khởi hành trong một đoàn xe cùng với chồng tôi và các vệ sĩ. Một số lãnh đạo cấp cao, bao gồm cựu Phó tổng thống Abdul Rashid Dostum, cựu Thống đốc tỉnh Balkh Atta Mohammad Noor, theo sau là nhiều đơn vị quân đội Afghanistan”.

Đến Hairatan, đầu cầu phía Afghanistan khi đó đã có rất đông các quan chức hàng đầu. Mọi người đều hoảng sợ. Nhưng chỉ ông Azimi, Dostum, Noor và một số nhà lập pháp được phép vào Uzbekistan. Mazari và nhiều người khác bị bỏ lại bên bờ sông và van xin trong vô vọng. Biết rằng Taliban sẽ sớm đến Hairatan, Mazari ghé qua nhà một người họ hàng trong thị trấn rồi phóng nhanh đến một ngã ba đường cao tốc. Ở đó, những người thân khác đang chờ đợi để đưa bà trở lại Mazar-i-Sharif. Họ trốn 2 ngày trong nhà của người thân trong thành phố, sau đó quyết định chạy đến Kabul.

Không biết chuyện gì sẽ xảy ra trên đường, nhưng đến được sân bay của Thủ đô và lên chuyến bay sơ tán là hy vọng duy nhất của Mazari. Bà khoác chiếc áo choàng che kín, cùng với chồng và vài người thân lên một chiếc xe cũ nát. Họ lo lắng nắm chặt tay nhau khi đến gần từng trạm kiểm soát. Nhưng may mắn, họ không bị bất kỳ tay súng Taliban nào nhận ra. Đó là ngày đầu tiên chính quyền Afghanistan sụp đổ và Taliban đang ăn mừng.

Sự trợ giúp của các nhà báo ở nước ngoài

Tới Kabul, họ liên tục chuyển chỗ ở để đảm bảo không thể bị theo dõi. Mazari không biết phải làm gì tiếp theo và nên tin ai. Không thể tìm đến các đại sứ quán hoặc sân bay, vì vậy bà đã gửi tài liệu của mình cho những người bạn có quan hệ với các chính phủ nước ngoài. Một trong những người mà Mazari gửi tin là nhà báo Zakarya, người Afghanistan.

Hôm 20-8, Zakarya đang ở Paris sau khi được giải cứu trước đó vài ngày, đã gửi tin nhắn cho Mazari. Trước đó, anh từng đưa số điện thoại của mình khi phỏng vấn nữ lãnh đạo huyện vào tháng 7-2021. Lo sợ mắc bẫy, Mazari không trả lời tin nhắn từ những số lạ, nhưng bà nhận ra Zakarya. Bà nói rằng cả nhà đang trốn và muốn giúp đỡ. Zakarya ngay lập tức chuyển tin cho nhà báo Canada Robyn: “Tôi vừa nghe tin từ Salima Mazari. Bà ấy đang ở Kabul”.

Từ thông tin của Robyn, phóng viên ảnh người Canada Matt Reichel đã tiếp xúc với tất cả những người mà anh quen biết tại Bộ Ngoại giao Mỹ để có thể xem xét giúp đỡ Mazari. “Chúng tôi đã chuẩn bị tất cả các tài liệu có liên quan, giải thích rằng bà Salima Mazari còn sống, nguy cơ cực kỳ cao và có thể sẽ bị sát hại nếu bị tìm thấy. Cuối cùng, một người bạn của tôi ở Bộ Ngoại giao có công trong việc giúp vô số người Afghanistan dễ bị tổn thương trốn thoát, đã có thể chuyển thông tin của bà ấy tới Lực lượng Đặc nhiệm liên hợp (JIATF) và một nhân vật cấp cao trong văn phòng Ngoại trưởng, đề nghị họ giúp đỡ khẩn cấp” - Reichel nói.

Thông tin của Salima đã được cung cấp cho JIATF thông qua một kết nối khác là Khadim Dai - một nhà làm phim Hazara ở Los Angeles (Mỹ). Tên tuổi của Salima được nhiều người biết đến và ủng hộ. Một ngày trước khi giải cứu, người liên lạc của Reichel tại Bộ Ngoại giao nói với anh rằng “điều gì đó sẽ xảy ra sớm”.

Tin nhắn thót tim

Mazari sợ rằng Taliban sẽ tìm ra mình bất cứ lúc nào, nhưng bà nghe theo lời khuyên của Zakarya và chờ đợi. Sáng sớm 23-8, Mazari nhận được tin nhắn bằng tiếng Anh tự xưng là từ một cơ quan điều phối giải cứu của Mỹ. Bà làm theo hướng dẫn, cung cấp thông tin của gia đình, tọa độ đang ẩn náu khi người gửi yêu cầu bà đính kèm một bức ảnh của chính mình.

Nhưng khi bà kể cho Zakarya chuyện đã xảy ra, nhà báo kỳ cựu Afghanistan hoảng hốt vì sau khi giới thiệu ngắn gọn bằng tiếng Anh, hướng dẫn giải cứu lại bằng tiếng Dari (một phương ngữ của Afghanistan). “Tôi lo rằng đó có thể là Taliban hoặc tình báo Pakistan truy cập vào cuộc trò chuyện của chúng tôi” - Zakarya nói. Một người bạn của Reichel bảo anh lập tức báo với bà Mazari thay khăn trùm đầu và đổi địa điểm trong khi tìm hướng giải quyết tiếp theo.

Trong lúc rối bời, Reichel quyết định gọi cho số điện thoại kia qua ứng dụng WhatsApp. Lần này, đầu dây bên kia là một thiếu tá quân đội Mỹ. Reichel kể: “Đương nhiên, ông ấy bối rối không hiểu tại sao lại nhận cuộc gọi từ Canada. Tôi tự giới thiệu mình là một nhà báo và là đầu mối liên hệ của Salima. Chúng tôi lo ngại vì không biết số điện thoại này là của ai khi đã nắm rõ các thông tin của Salima”. Anh thở phào vì Bộ Ngoại giao Mỹ đã xác nhận đó là một sĩ quan quân đội đang thực hiện cuộc giải cứu. Họ dặn hãy đảm bảo rằng Salima có mặt kịp thời tại điểm cứu hộ và biết cách đến đó.

Kế hoạch là đón Salima Mazari và gia đình bà bằng trực thăng, sau đó đưa họ vào sân bay quốc tế Hamid Karzai. Lúc 19h ngày 24-8, Mazari nhận được một cuộc gọi nói rằng sẽ gặp nhau ở điểm hẹn. Nhờ khả năng thành thạo trong việc đọc bản đồ khi còn là một chỉ huy quân sự, bà vội vàng lên đường cùng với tất cả 13 thành viên trong gia đình, trong đó có một số trẻ em. Bà nhắn tin cho Zakarya lúc 19h22, báo rằng đang ở sân bay Kabul. Ngày hôm sau, Salima Mazari và gia đình đã lên một chuyến bay quân sự đến Qatar và họ hiện đang ở một địa điểm không được tiết lộ ở Mỹ để chờ tái định cư.

Nữ thủ lĩnh Salima Mazari cùng các chiến binh ở Charkint, tỉnh Balkh thăm chiến tuyến chống Taliban hôm 14-7-2021

Nữ thủ lĩnh Salima Mazari cùng các chiến binh ở Charkint, tỉnh Balkh thăm chiến tuyến chống Taliban hôm 14-7-2021

Sẽ không ngừng chiến đấu

Rời khỏi Afghanistan, Mazari đã thoát khỏi cái chết gần như chắc chắn, nhưng theo một cách nào đó, đó cũng là cơn ác mộng tồi tệ nhất trong đời. Bà không bao giờ muốn rời khỏi một đất nước mà mình đã chiến đấu hết sức để bảo vệ và cảm thấy bị chính phủ của mình phản bội.

“Tại sân bay Kabul, tôi đã chứng kiến sự sụp đổ của một quốc gia. Tôi thấy các gia đình chạy trốn và bỏ lại mọi thứ… Thật khó khăn khi nhìn thấy mọi người trong hoàn cảnh đó. Tôi đã khóc rất nhiều. Tôi đã nghĩ về tất cả những người trẻ tuổi đã hy sinh trong 20 năm qua. Tôi nghĩ về khát vọng của một thế hệ. Tôi cảm thấy nghẹn ở cổ họng khi nghĩ đến những chiến đấu, hy sinh và cái chết của đồng bào mình. Mỗi lần nghĩ đến những điều này, tôi như chết đi sống lại” - bà Mazari nói.

Taliban gần đây đã tuyên bố thành lập chính phủ mới của họ mà không có đại diện phụ nữ hoặc người Hazara nào. Phụ nữ tiếp tục bị quay lưng trong khi hàng ngũ Taliban đang tỏ ra bị phân tán. “Hiện tại, chiến đấu có vũ trang không còn là giải pháp nữa, chúng tôi cần tìm ra một cách khác để giúp đất nước. Và cuộc đấu tranh của tôi vì tự do và niềm tự hào của nhân dân sẽ không bao giờ kết thúc” - người phụ nữ này quả quyết.

“Không biết chuyện gì sẽ xảy ra trên đường, nhưng đến được sân bay của Thủ đô Afghanistan và lên chuyến bay sơ tán là hy vọng duy nhất của Mazari. Bà mặc chiếc áo choàng che kín, cùng với chồng và vài người thân lên một chiếc xe cũ nát. Họ lo lắng nắm chặt tay nhau khi đến gần từng trạm kiểm soát. Nhưng may mắn, họ không bị bất kỳ chiến binh Taliban nào nhận ra. Đó là ngày đầu tiên chính quyền Afghanistan sụp đổ và Taliban đang ăn mừng”.