Hàng Việt giả vẫn còn “đất sống”

ANTĐ - Gian hàng phân biệt hàng thật, hàng giả của lực lượng quản lý thị trường Hà Nội được coi là điểm nhấn của Hội chợ hàng Việt Nam thành phố Hà Nội 2013 đang diễn ra tại Triển lãm Giảng Võ. Đây là một góc cho thấy hàng giả đang diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho sản xuất và ảnh hưởng tới đời sống nhân dân.

Sản phẩm càng bán chạy càng nhanh chóng bị làm giả

Lãnh đạo Cục quản lý thị trường (QLTT- Bộ Công Thương) cho biết, những mặt hàng càng bán chạy, càng nổi tiếng thì càng nhanh chóng bị làm giả. Hàng giả đang lưu hành trên thị trường một phần do các lò gia công tại Việt Nam chế tác lại, một phần được sản xuất nhái ở nước ngoài rồi mang về Việt Nam tiêu thụ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín, danh tiếng sản phẩm thật cũng như thiệt hại cho người tiêu dùng.

Dễ dàng nhận thấy, hàng giả len lỏi vào từng ngõ ngách của đời sống, xuất hiện trong từng hành vi tiêu dùng ăn, mặc, ở của người dân. Tại gian hàng phân biệt hàng thật - hàng giả của lực lượng QLTT Hà Nội có thể thấy các mặt hàng: giày thể thao, xe đạp điện Honda, máy xay đa năng Magic Bullet, hay bột giặt OMO, rượu ngoại, mũ bảo hiểm… đều bị làm giả. 

Lãnh đạo một doanh nghiệp sản xuất hàng Việt nổi tiếng chia sẻ: “Mỗi năm chúng tôi chi hàng tỷ đồng để “chiến đấu” với hàng giả nhưng không thấm tháp vào đâu. Trên thực tế, ở các thành phố lớn, người tiêu dùng hiểu biết hơn nên hàng giả ít “đất sống”. Nhưng ở các vùng nông thôn, hàng giả tràn lan trong khi sự kiểm soát của lực lượng chức năng tại các khu vực này lỏng lẻo và nhận thức người dân chưa cao”.

Bà Cao Thị Viên (Hoài Đức - Hà Nội), khách hàng đến hội chợ mua sắm chia sẻ: “Có lần tôi mua bột giặt OMO về dùng nhưng gặp phải hàng giả. Bột giặt vón thành cục lớn, cứng đến mức phải dùng búa đập vỡ thành những viên nhỏ hơn, cho vào nước mãi không tan”. 

Dành nhiều sự quan tâm cho hàng Việt, ông Nguyễn Mạnh Tuấn (nhà ở số 10 Phan Đình Phùng) thẳng thắn nói: “Không thể nói người tiêu dùng không biết hàng nào hàng giả, hàng nào hàng thật, bởi vì cầm món hàng trên tay đã cảm nhận khác. Vấn đề là một bộ phận người tiêu dùng Việt Nam vẫn chấp nhận hàng giả do phù hợp với túi tiền của họ. Hàng thật đương nhiên giá vẫn cao”. Trong khi đó, mẫu mã, chất lượng hàng thật lại ít được đổi mới, cải tiến dẫn đến việc người tiêu dùng so sánh, dễ chấp nhận hàng giả có mức giá thấp hơn. 

Đồng tình với quan điểm này, ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục QLTT cho rằng tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng về hàng giả là việc làm quan trọng. “Không còn cầu thì không còn cung nữa. Song song với đó, các doanh nghiệp cũng cần đổi mới để nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm. Cán bộ QLTT cần chuyên môn nghiệp vụ vững vàng” - ông Đỗ Thanh Lam nói.

Theo lãnh đạo Công ty cổ phần Phích nước Rạng Đông, để nâng cao sức cạnh tranh cho hàng Việt, doanh nghiệp Việt Nam nên áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế cho sản phẩm và cần quyết tâm, kiên trì thực hiện mục tiêu.