Hàng hiệu… vài trăm nghìn đồng bán tràn “chợ mạng” (1)

Hàng giả, hàng nhái "tung hoành" mạng xã hội

ANTD.VN - LTS: Vài năm gần đây, kinh doanh trên mạng xã hội bùng nổ bởi lợi thế về hiệu quả và chi phí cũng như tính tương tác với khách hàng. Do không bị kiểm duyệt gắt gao, dễ né tránh sự quản lý của cơ quan chức năng, mạng xã hội đang là “mảnh đất” màu mỡ cho người kinh doanh hàng giả, hàng lậu, hàng nhái ăn nên làm ra. Được gắn nhãn mác của những tên tuổi nổi tiếng trên thế giới như LV, MK, Prada, Modova… nhưng giá bán lại chỉ vài trăm nghìn đồng/chiếc, vô số hàng giả, hàng nhái (gọi chung là hàng “fake”) đang được bán tràn lan trên “chợ mạng”.

Hàng giả, hàng nhái "tung hoành" mạng xã hội ảnh 1

 Công khai bán hàng “fake” trên Facebook

Ê hề hàng hiệu giá bèo

Cùng với sự phát triển chóng mặt của thương mại điện tử, mạng xã hội đang là kênh bán hàng được nhiều người khai thác nhất, bởi lượng người tham gia đông đảo, thuộc nhiều lứa tuổi nên rất tiềm năng. Ấn tượng đầu tiên khi truy cập bất kỳ một trong số các mạng xã hội Facebook, Zalo, Youtube… là dày đặc thông tin rao bán hàng hóa, cảm giác như “nhà nhà bán hàng, người người bán hàng” qua mạng. Người bán hàng trực tiếp, người lại bán thông qua nhóm. 

Dựa vào lịch sử tìm kiếm, mua bán của người tham gia mạng xã hội, các nhà cung cấp này lập tức trả về hàng chục kết quả về hàng hóa người mua cần tìm mỗi ngày, và thông tin này được lặp đi lặp lại trong thời gian dài. Đáng chú ý, hàng giả, hàng nhái cũng chiếm phần không nhỏ trong hoạt động kinh doanh của các trang này.

“Hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ không chỉ được sản xuất trong nước mà còn được đặt sản xuất ở nước ngoài, đưa vào trong nước tiêu thụ bằng nhiều đường khác nhau. Hàng giả chủ yếu mang nhãn mác của Việt Nam hoặc các thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sức khỏe của người tiêu dùng và uy tín, thương hiệu của các doanh nghiệp”.

Ban chỉ đạo Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389/QG)

Trong vai một người đang có nhu cầu mua, bán hàng hiệu, tôi tham gia một nhóm những người chuyên đặt hàng từ nước ngoài về bán trong nước thông qua Facebook. Nhóm này bao gồm cả những người sành về hàng hiệu, cả những người chỉ biết hàng hiệu ở tên gọi. 

Ngay khi vừa gia nhập nhóm, tôi bị ngợp trước vô vàn hàng hiệu đủ loại. Chị V. Nguyên - một thành viên của nhóm, người giới thiệu tôi vào nhóm cho biết: “Nhóm này hàng hiệu đảm bảo đấy, ai bán hàng “fake” bị “ra đảo” (cho ra khỏi nhóm) ngay. Thỉnh thoảng lại có chị em trong nhóm đẩy thông tin tố cáo mua phải hàng fake của người trong nhóm. Người bán đó tất nhiên mất uy tín và bị loại ngay; có ở lại cũng chẳng ai buôn bán, trao đổi cùng nữa”. 

Có nhu cầu mua một cặp đồng hồ đôi hiệu Modova, tôi đăng tin tìm kiếm người bán trong nhóm trên Facebook. Nick name Thủy Mina cho biết: “Đây là hàng xịn, có hóa đơn (bill) đàng hoàng. Giá đang giảm còn 11 triệu/cặp”. Sau khi trò chuyện, người bán này hạ giá xuống còn 10,5 triệu đồng/cặp. Biết tôi có nhu cầu, một người khác lập tức inbox (nhắn tin) giới thiệu: “Chị có nhu cầu em chuyển đến tận nơi, 2,5 triệu đồng/cặp Modova, bảo hành 6 tháng. Hàng bán ở Việt Nam không có hàng xịn đâu, toàn hàng Trung Quốc thôi. Hàng chính hãng giá khoảng 35 triệu đồng/cặp, không phải ai cũng dám mua đâu!”.

Theo chỉ đường của chị T. Phạm - một người chuyên kinh doanh hàng hiệu trên Zalo, tôi đến cửa hàng tại phố Nguyễn Công Trứ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội để xem hàng tận nơi. Chị T. Phạm cho hay: “Hàng hiệu tại Việt Nam bán qua mạng cũng lôm côm lắm. Hàng hiệu thật và hàng fake loại 1 giống y như nhau, người mua rất khó phân biệt”. Vừa nói, người bán vừa cầm 2 lọ nước hoa Chanel đưa tôi xem rồi bảo: “Hồi mới vào nghề, chị nhập lọ này về vừa dùng, vừa bán, giá 3 triệu đồng/lọ. Tưởng giá cao là xịn rồi, ai ngờ về xịt chỉ 3 tiếng là đã hết mùi. Sau chị quen mối hàng nhập từ Thụy Điển, chỉ 1,7 triệu đồng/lọ, thơm tận 8 tiếng. Giờ chị vẫn bán cả 2 loại, vì có khách hàng không tin hàng rẻ mà xịn, muốn lấy loại đắt tiền”. 

Nếu không đến tận nơi, chắc hẳn người mua hàng của chị T. Phạm qua Zalo sẽ không biết được những thông tin như trên, bởi lẽ trang cá nhân của chị không biết cơ man nào là sản phẩm, từ quần áo trẻ em, đến trang phục đi biển, trang phục dạo phố, công sở, đồng hồ, mũ, giày dép, mỹ phẩm… Số hàng này đều được khẳng định là hàng hiệu xách tay, có tên hãng sản xuất rõ ràng, hình ảnh trên mạng đẹp lung linh, tem mác đầy đủ và rất khó để phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là hàng “fake”.

Biết là hàng nhái, sao người dùng vẫn mua?

Từ nhiều năm nay, “hàng hiệu” giá rẻ bán tràn lan và công khai trên chợ mạng. Trang Fanpage của M. Shop cho biết: “Túi Prada siêu cấp, sắc nét đến từng đường may… Shop đặt trực tiếp gia công và may thủ công tại xưởng nên đảm bảo không khác gì so với hàng chính hãng”. Trang bán hàng online này còn bán nhiều sản phẩm hàng hiệu khác nhưng được “gia công” như túi, ví, thắt lưng da, giày… đều của các thương hiệu đình đám trên thế giới.

Kinh doanh hàng giả, hàng nhái là hành vi vi phạm. Tại sao vi phạm này đã diễn ra nhiều năm mà người bán các mặt hàng này vẫn ung dung? Một người bán hàng này cho hay, không những không bị kiểm tra, kiểm duyệt, bán hàng fake trên mạng còn không phải thuê cửa hàng.

Chị V. Nguyên cho biết: “Rất nhiều hàng “fake” loại 1 có mẫu mã, hình thức không khác hàng hiệu là bao, chỉ khác một hay một số ít chi tiết tinh xảo nhất nên nếu ít tiếp xúc hoặc chỉ nhìn sơ qua, người mua không biết được. Nếu là người chỉ biết tên mà chưa từng sờ hàng hiệu thật bao giờ thì càng không biết”.

Chính vì lý do này mà dù bán hàng hiệu nhiều năm, có uy tín nhưng chị V. Nguyên vẫn bán song song 2 loại hàng: hàng hiệu xách tay chuẩn Authentic (hàng chuẩn, hàng thật) và hàng “fake”. Khách hàng có nhu cầu loại nào thì shop đáp ứng nhu cầu kiểu đó, miễn là có lãi.

Chuộng hàng “fake” vì nhiều lý do, chị Quỳnh Liên - nhân viên bán hàng tại một siêu thị điện máy cho hay: “Cây son Christian Louboutin chính hãng giá khoảng 2,5 triệu đồng, nhưng trên Facebook rao bán có 200 nghìn đồng với lý do… giảm giá. Không cần phải nói thì nhiều người cũng biết đây là hàng nhái, bởi lẽ không có hãng nào giảm giá sâu đến vậy! Nhiều chiếc túi “hàng hiệu” rao bán 2-3 triệu đồng/chiếc nhưng đều là hàng Trung Quốc, vì hàng xịn giá phải mấy chục triệu đồng/chiếc. Với tôi, không chỉ giá hợp túi tiền, hàng “fake” nếu loại 1 vẫn dùng tốt và đẹp. Nhiều người tiếp xúc với mình sơ qua vẫn tưởng mình dùng hàng thật”.

Tuy nhiên, khách hàng này cũng tiết lộ, sau lần mua phải mỹ phẩm giả, da mặt nổi dị ứng, chị chỉ mua quần áo, giày dép, túi xách gia công hàng hiệu qua mạng. Những hàng tiêu dùng ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe như: mỹ phẩm, thực phẩm chức năng… tuyệt đối không mua.

Theo đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), thời gian gần đây cơ quan này liên tiếp nhận được nhiều khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến việc mua hàng không đúng như quảng cáo trên mạng xã hội và ứng dụng thương mại điện tử. Cụ thể, chị Nguyễn T. T. T. gửi đơn khiếu nại tới Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng liên quan đến việc mua sản phẩm phấn mắt Etude trên Shopee.vn.

Tuy nhiên, sản phẩm nhận được có chất lượng kém, bao bì mờ nhạt, người tiêu dùng nghi là hàng giả. Khi kiểm tra từ các nguồn khác, người tiêu dùng nhận thấy giá trung bình của sản phẩm là 200.000 đồng, trong khi giá trên Shopee.vn chỉ là 99.000 đồng nên khiếu nại. Sau đó, Shopee.vn đã tạm khóa sản phẩm này trên trang web, thu hồi lại hàng và hoàn tiền cho người tiêu dùng, đồng thời đang trong quá trình đề nghị người bán giải trình về nguồn gốc và chất lượng sản phẩm.

(Còn nữa)