Hàn Quốc, Mỹ tổ chức 'trò chơi chiến tranh' bất chấp cảnh báo của Triều Tiên

ANTD.VN - Hàn Quốc và Mỹ đã bắt đầu cuộc tập trận chung thường niên, nhưng với qui mô nhỏ hơn mọi năm, bất chấp lời cảnh báo của Triều Tiên thông qua các vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn liên tiếp trong thời gian vừa qua. Sự kiện này làm dấy lên mối quan ngại của cộng động thế giới về việc Triều Tiên có thể thực hiện thêm nhiều hành động khiêu khích hơn nữa với mục đích đáp trả.

Bất chấp cảnh báo, “trò chơi” vẫn diễn ra

Ngày 5-8, Hàn Quốc và Mỹ bắt đầu một cuộc tập trận quân sự chung hàng năm, bất chấp cảnh báo từ Triều Tiên rằng “trò chơi chiến tranh” này sẽ gây nguy hại cho các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Bình Nhưỡng và Washington.

Tuy nhiên, một quan chức Bộ Quốc phòng Hàn Quốc lại cho rằng: "Một cuộc tập trận chung sẽ giúp chúng tôi xem xét lại khả năng chuẩn bị cho một cuộc chiến".

Binh lính trong một cuộc tập trận chung Mỹ- Hàn Quốc (Ảnh AFP)

Cuộc tập trận chung này diễn ra sau khi Bình Nhưỡng thử nghiệm một loạt các tên lửa tầm ngắn trong những ngày gần đây cùng tuyên bố những vụ thử là lời "cảnh báo long trọng" tới Seoul trước việc Mỹ- Hàn Quốc tiến hành tập trận.

Triều Tiên cũng cảnh báo rằng, nếu cuộc tập trận diễn ra,     họ sẽ xem xét việc đơn phương chấm dứt các cuộc thử nghiệm tên lửa tầm xa và hạt nhân.

Một quả đạn pháo phản lực được Triều Tiên phóng thử hôm 31-7 (Ảnh KCNA)

Các nhà phân tích nói rằng các hoạt động quân sự của cả Bình Nhưỡng và Washington có thể trì hoãn các cuộc đàm phán về các chương trình vũ khí của Triều Tiên vốn đã phải chịu nhiều lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cho đến cuối năm nay.

Những nỗ lực bất thành

Sau một năm đe dọa lẫn nhau và căng thẳng gia tăng, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đã tổ chức một cuộc họp lịch sử tại Singapore vào năm ngoái, khi ông Kim đã ký một cam kết mơ hồ về hoạt động "phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên".

Hội nghị thượng đỉnh thứ hai vào tháng 2-2019, đã kết thúc trong bối cảnh bất đồng về biện pháp trừng phạt và những gì Triều Tiên có thể sẵn sàng từ bỏ để đáp lại.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh Reuters)

Cả ông Donald Trump và ông Kim Jong-un đã đồng ý nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân trong cuộc họp đầy ngẫu hứng vào tháng 6 tại Khu phi quân sự phân chia bán đảo, nhưng cuộc đối thoại ở cấp độ cao hơn vẫn chưa thực sự bắt đầu và vẫn chưa có tiến triển gì cho một thỏa thuận giữa hai bên.

Giảm quy mô của các cuộc tập trận, liệu có giải quyết được vấn đề ?

Hàn Quốc và Mỹ nối lại tập trận (Ảnh AFP)

Sau hội nghị thượng đỉnh Singapore, tại một cuộc họp báo, Tổng thống Donald Trump đã đưa ra thông báo gây sốc là tạm dừng các cuộc tập trận chung, chấp nhận cáo buộc của Bình Nhưỡng về những cuộc tập trận chung là hành động "khiêu khích".

“Trò chơi chiến tranh” được biết đến với tên gọi là Người bảo vệ Tự do Ulchi (UFG) dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 8 năm ngoái, sau đó đã bị đình chỉ.

Và các cuộc tập trận lớn nhất hàng năm với đồng minh như Foal Eagle và Key Resolve, diễn ra vào mỗi mùa xuân với sự tham gia của hàng chục ngàn binh sĩ, đã được thay thế bằng các cuộc tập trận qui mô nhỏ hơn là Dong Maeng hoặc Alliance vào tháng 3.

Lối đi nào cho mối quan hệ đồng minh ?

Ngày 2-8, trước việc Triều Tiên thử vũ khí lần 3 trong vòng 8 ngày, khai hỏa cái mà họ gọi là "hệ thống tên lửa dẫn đường nòng lớn đa cỡ" mới, cả Hàn Quốc và Mỹ đã có những động thái trái chiều. Nếu như, văn phòng Tổng thống của Seoul cho biết rất có khả năng đây là "một loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn mới" và tiếp tục bày tỏ những quan ngại về những mối đe dọa về một cuộc xung đột quân sự giữa hai miền, thì Tổng thống Trump lại “bỏ qua” các hành động thử vũ khí của Triều Tiên như một "nghĩa cử đẹp", đồng thời nhấn mạnh thêm rằng ông Kim sẽ không làm ông “thất vọng” vì ông Kim đang có "quá nhiều thứ để mất".

Một cuộc hội đàm giữa các Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Hàn Quốc (Ảnh Yonhap)

Động thái trên của hai bên đã dấy lên mối nghi ngờ về quan hệ đồng minh thực sự giữa Seoul và Washington. Theo hiệp ước an ninh giữa Mỹ - Hàn Quốc, một tướng Mỹ sẽ nắm quyền chỉ huy các lực lượng kết hợp của hai bên trong trường hợp chiến tranh, nhưng Seoul từ lâu đã và đang tìm cách đảo ngược vị thế, mặc cho một thực tế là có đến 28.500 lính Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc để bảo vệ nước này trước người hàng xóm và phần lớn lính Mỹ đồn trú ở phía nam Seoul tại doanh trại Humphreys ở Pyeongtaek - cơ sở quân sự lớn nhất ở nước ngoài của Washington.