Hàn Quốc: 43 người tự tử/ngày

ANTĐ - Hơn 15.000 người Hàn Quốc tự tử mỗi năm tương đương khoảng 43 người tự tử mỗi ngày. Trung bình, cứ 34 phút tại nước này có một người tự tử.

Nguyên nhân dẫn đến việc tự tử có rất nhiều, phần đông là do áp lực quá lớn từ nghề nghiệp và cuộc sống. Một số trang báo mạng nổi tiếng như Star News, BNT News, Hankyung, TV Report và nhiều trang báo khác đã cùng nhau tham gia vào chiến dịch ngăn chặn nạn tự tử mang tên A Beautiful Korea Living Together.

Chiến dịch này nhằm mục đích kêu gọi rộng rãi mọi người tại Hàn Quốc hãy sống với tình yêu và hy vọng. Nữ Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc dự định lập một ủy ban đặc biệt nhằm xóa nạn tự tử ở đất nước này.

Trong 10 năm qua, số vụ tự tử ở người già tại Hàn Quốc cũng tăng gấp đôi như một hệ lụy của tốc độ công nghiệp hóa chóng mặt. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã xếp Hàn Quốc đứng đầu trong danh sách các quốc gia có số người tự sát lớn nhất với tỷ lệ 33,5/100.000 người. Đặc biệt trong độ tuổi từ 20 - 30, tự sát đã vượt xa số người chết vì tai nạn giao thông và ung thư.

Trong độ tuổi 40 - 50, tự tử đứng hàng thứ hai sau bệnh ung thư. Tỷ lệ tự sát ở người lớn tuổi tại Hàn Quốc là 81,9/100.000 người - mức cao nhất trên thế giới. Tỷ lệ này đã cao hơn gấp 4 lần so với Nhật Bản (17,9 người) và gấp 5 lần so với Mỹ (14,5 người). Điều đáng quan ngại là tình trạng học sinh tự tử ở Hàn Quốc cũng gia tăng đáng kể. Nguyên nhân là các em phải đối mặt với áp lực từ môi trường học tập cạnh tranh cao, kỳ vọng của gia đình, trong khi đó, các bậc cha mẹ lại dành ít thời gian cho con, ít quan tâm đến những tâm tư, tình cảm của các con khi mà chúng đang ở độ tuổi rất dễ nhạy cảm với mọi thứ xung quanh mình. Một thống kê của Chính phủ Hàn Quốc cho thấy, trung bình mỗi ngày một học sinh PTTH nước này chỉ ngủ khoảng 5 tiếng và dành đến hơn 11 tiếng cho học tập. Áp lực học hành, sự lo âu không vượt qua được kỳ thi tuyển vào trường mà mình và gia đình kỳ vọng đã khiến nhiều học sinh Hàn Quốc trở nên quẫn trí.

Nhà tâm lý học Lee Dong-Woo, Người phát ngôn Hiệp hội Tâm lý học - Thần kinh Hàn Quốc cho rằng: “Áp lực phải thành công tại nhà trường và trong công việc đã bị đẩy lên tới một mức độ không thể chịu đựng nổi. Đây cũng chính là một mặt trái của thành tựu kinh tế Hàn Quốc”. 

Mỗi năm có 260 người nhảy vào dòng sông Hàn từ những chiếc cầu tại Seoul. Cầu Mapo ở Thủ đô Seoul giờ đây được biết tới với cái tên “Cầu tử thần” bởi đã có hơn 100 vụ tự tử xảy ra trong 5 năm. Trên cầu Mapo trung tâm Thủ đô Seoul Hàn Quốc vừa được bố trí nhiều hình ảnh và khẩu hiệu kêu gọi mọi người không nên tự tử. Ðây cũng là một biện pháp tăng cường phòng tránh vấn nạn này tại xứ sở Kim Chi. Cách đây 2 năm, Seoul thông qua Luật chống tự tử nhưng kinh phí đầu tư quá eo hẹp làm giảm hiệu quả của luật. Năm ngoái, Hàn Quốc đã chi 3 triệu USD vào các chương trình chống tự tử. Nhưng so với nước láng giềng Nhật Bản, nó chỉ bằng 0,5% lượng tiền mà Nhật rót vào những chương trình chống tự tử ở nước họ.

Chính phủ Hàn Quốc đã tiến hành nhiều biện pháp nhằm giải quyết vấn đề, trong đó có các giải pháp phòng ngừa trước mắt như lắp đặt camera giám sát trên những cây cầu bắc qua sông Hàn và theo dõi chặt chẽ những trang web có nội dung cổ vũ cho tự tử. Trong khi đó, một đạo luật được công bố hồi tháng 3-2012, nhằm thúc đẩy “văn hóa tôn trọng cuộc sống”, đã đề ra các giải pháp dài hạn, trong đó có tiến hành một cuộc điều tra toàn quốc, thiết lập đường dây khẩn cấp 24/24 giờ do Chính phủ quản lý và một mạng lưới các trung tâm ngăn ngừa tự tử trên toàn quốc. Trung tâm Phòng chống tự tử Hàn Quốc đã cho in dòng chữ “Mạng sống rất quý giá! Chúng ta hãy bảo vệ nó!” trên bìa sách, áp phích, đăng tải trên website… nhưng dường như không phát huy tác dụng. Chính quyền thành phố Seoul đã phải dán các thông điệp ý nghĩa dọc thân cầu, đi kèm là những hình ảnh em bé, hình ảnh nụ cười… những mong người muốn tự tử hãy suy nghĩ lại.

Tân Tổng thống Park Geun-hye dự kiến thành lập ban chuyên trách phòng chống tự tử, vì nhiều vụ quyên sinh là kết quả của tăng trưởng kinh tế èo uột, bất bình đẳng, thất nghiệp, nợ nần gia tăng...  Ngăn chặn tình trạng tự sát lan rộng trong cộng đồng dân cư được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng đầu tiên đối với nữ Tổng thống Park Geun-hye.