- Thủ tướng: Không cấp mới giấy phép nhập phế liệu vào Việt Nam
- Khởi tố vụ án một doanh nghiệp làm giả giấy tờ để nhập khẩu phế liệu
- Hải quan buộc tái xuất những lô phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu
Đây là thông tin được đại diện Tổng cục Hải quan cho biết tại cuộc họp báo chiều nay, 30/7.
Theo đó, đại diện Tổng cục Hải quan, dù quan điểm của hải quan là kiên quyết xử lý phết liệu nhập khẩu không đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia về môi trường, nhập khẩu chất thải và hàng hoá cấm khác nhưng việc quản lý vẫn gặp không ít khó khăn.
Một trong những vấn đề khó khăn là thủ đoạn của các doanh nghiệp ngày càng tinh vi. Theo ông Nguyễn Khánh Quang, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, đáng nói là thủ đoạn làm giả giấy tờ của doanh nghiệp nhập khẩu.
Ông lấy ví dụ về trường hợp Công ty Đức Đạt, có trụ sở tại tỉnh Ninh Bình vừa bị Cục Điều tra chống buôn lậu khởi tố. Theo ông Quang, tất cả các giấy tờ của doanh nghiệp này trong quá trình nhập khẩu đều làm giả như: Giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu, giấy thông báo lô hàng phế liệu nhập khẩu để kiểm tra, thông quan…
Theo lãnh đạo Tổng cục Hải quan, đến thời điểm này, hải quan mới khởi tố 1 doanh nghiệp là Công ty Đức Đạt. Tuy nhiên, hiện Tổng cục Hải quan đang chỉ đạo, tham mưu Cục Điều tra chống buôn lậu, hải quan các địa phương chủ động điều tra nghiên cứu phát hiện sai phạm, rà soát các doanh nghiệp có dấu hiệu nghi vấn phân cho từng đơn vị và đang điều tra tích cực toàn ngành.
“Chúng tôi chưa trả lời được ngay sẽ khởi tố bao nhiêu doanh nghiệp, vì khi điều tra phải đảm bảo quy trình. Theo quy định, doanh nghiệp chỉ phải nộp các giấy tờ bản sao chứng thực, để kết luận là giả phải thu thập đủ bản chính. Quá trình thu thập không đơn giản, thẩm quyền hải quan thiếu, nhiều doanh nghiệp còn khó khăn để gặp được người lãnh đạo có thẩm quyền. Chưa dám dùng từ “trốn” nhưng doanh nghiệp đang “né”, gây khó khăn cho quá trình điều tra” – ông Quang nói.
Việc phát hiện doanh nghiệp vi phạm nhập khẩu phế liệu gặp nhiều khó khăn
Trong khi đó, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành cho rằng, cơ quan chức năng cũng gặp khó trong việc phát hiện doanh nghiệp nào chưa được ngành tài nguyên và môi trường cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về môi trường trong nhập khẩu phế liệu vì hiện chưa có thông tin trên cổng thông tin một cửa quốc gia.
Ông khẳng định, phía hải quan đã kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cung cấp trên cổng thông tin danh sách doanh nghiệp đủ điều kiện cũng như giấy thông báo lô hàng nhập khẩu để kiểm tra để phía hải quan có cơ sở đối chiếu.
Tuy nhiên, tới 27/7 vừa qua, Bộ Tài nguyên Môi trường mới cung cấp danh mục của hơn 200 doanh nghiệp đủ điều kiện nhập khẩu. Còn danh mục của các Sở Tài nguyên và Môi trường vẫn còn thiếu.
Một vấn đề khó khác theo ông Thành, phế liệu nhập khẩu là hàng đặc thù nên muốn kiểm tra phải lấy mẫu tại 4,5 điểm trong container.
“Theo quy định, có thể lấy mẫu tại các điểm như 4 điểm đáy, 1 điểm đỉnh hoặc theo hình chữ Z. Điều này đồng nghĩa muốn lấy mẫu, cơ quan chức năng phải mở hết container ra, trong khi việc này là không thể” – ông Thành cho hay.