Hai khó khăn lớn của hàng Việt khi chinh phục thị trường

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), hiện nay, hàng Việt đang gặp khó khăn tại cả thị trường xuất khẩu và thị trường trong nước.
Gốm sứ Bát Tràng- sản phẩm hàng Việt Nam tiêu biểu

Gốm sứ Bát Tràng- sản phẩm hàng Việt Nam tiêu biểu

Chiều 11-12, Vụ Thị trường trong nước và Tạp chí Công Thương tổ chức diễn đàn “Thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng hàng Việt Nam”.

Phát biểu tại diễn đàn, bà Lê Thị Việt Nga- Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước nêu 2 khó khăn lớn đối với hàng Việt Nam hiện nay, là những thách thức trên thị trường xuất khẩu và khả năng cạnh tranh trên chính “sân nhà”.

Với thị trường xuất khẩu, nhu cầu tiêu dùng của các thị trường trên thế giới giảm sút đã khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, trong khi các ngành sản xuất công nghiệp trong nước chủ yếu hướng vào xuất khẩu do sản lượng sản xuất trong nước vượt xa nhu cầu của thị trường nội địa, nhất là đối với các ngành hàng như dệt may, da – giày, điện tử…

Theo bà Lê Thị Việt Nga, chỉ 10% sản lượng các mặt hàng trên cung ứng cho thị trường nội địa, còn 90% sản lượng là để xuất khẩu. Trong khi đó, việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu cùng chủng loại của Việt Nam.

Ngoài ra, việc các thị trường nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam thời gian gần đây đòi hỏi các doanh nghiệp cần phải sản xuất hàng hóa đáp ứng những tiêu chuẩn ngày càng cao về chất lượng, an toàn, truy suất nguồn gốc, sản xuất bền vững hướng đến kinh tế tuần hoàn, có trách nhiệm với xã hội và môi trường của các thị trường nhập khẩu là một thách thức. Do đó, dự báo kim ngạch xuất khẩu cả năm 2023 của một số ngành hàng Việt Nam có thế mạnh như: dệt may, da giày... sẽ giảm.

Còn tại thị trường trong nước, hàng Việt cũng đang phải cạnh tranh gay gắt bởi nhiều mặt hàng ngoại nhập đang có xu hướng chuyển dịch mạnh vào tiêu thụ tại thị trường nội địa sau khi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA...) chính thức có hiệu lực.

Chưa kể, tỷ trọng hàng ngoại nhập trong hệ thống phân phối, đặc biệt là kênh thương mại điện tử xuyên biên giới, nhiều khả năng sẽ tăng lên trong thời gian tới. “Thông qua chương trình thương mại điện tử xuyên biên giới, kênh phân phối mới có ưu thế vượt trội về nền tảng công nghệ, logistics, góp phần hỗ trợ cho hàng Việt Nam xuất khẩu trực tiếp đến người tiêu dùng ở nước ngoài, mặt khác cũng bán hàng trực tuyến và vận chuyển đến tận tay người tiêu dùng Việt Nam nhiều hàng hóa nước ngoài có giá cả rất cạnh tranh, hợp thị hiếu và xu hướng thời trang, có thời gian vận chuyển hàng hóa ngày càng rút ngắn.

Bên cạnh đó, nhiều chuỗi bán lẻ nước ngoài cả trực tuyến và trực tiếp đã tích cực đầu tư mở rộng hệ thống cửa hàng vật lý, kho hàng hóa tại Việt Nam để phân phối hàng ngoại nhập nhất là mỹ phẩm, hàng thời trang (dệt may, da giày), thực phẩm chức năng và thực phẩm cao cấp, đồ nội thất và gia dụng, sản phẩm phục vụ mẹ và bé…”- bà Lê Thị Việt Nga nói.

Dù gặp nhiều khó khăn nhưng theo lãnh đạo Vụ thị trường trong nước, hàng Việt ngày càng có chỗ đứng vững vàng trên thị trường. Nhiều ngành hàng có thế mạnh của Việt Nam đã ghi dấu ấn khi liên tục giữ vị trí nhóm đầu trong kim ngạch xuất khẩu của thế giới, đưa Việt Nam vào trong nhóm 23 nước có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất thế giới.

Trong năm 2022, Bộ Công Thương đã công bố 281 doanh nghiệp xuất khẩu uy tín với các mặt hàng: Dệt may, cà phê, cao su, chè các loại thủy sản, gạo, hạt điều, hạt tiêu, rau củ quả, sữa, thủ công mỹ nghệ sản phẩm từ gỗ, sản phẩm cơ khí, sản phẩm vật liệu xây dựng...

Đây là các doanh nghiệp sản xuất được hàng Việt Nam đạt tiêu chuẩn khắt khe của những thị trường khó tính. Hàm lượng giá trị gia tăng và nội địa của sản phẩm xuất khẩu đã có nhiều cải thiện.

Còn tại thị trường trong nước, sau hơn 14 năm triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam,” hàng Việt Nam có thế mạnh (đặc biệt là hàng hóa thiết yếu, hàng tiêu dùng) đã, đang và tiếp tục bao phủ rộng khắp các mạng lưới phân phối từ các kênh phân phối truyền thống tới các hệ thống phân phối hiện đại.

Theo báo cáo của các địa phương, trong hệ thống siêu thị của một số doanh nghiệp trong nước, hàng hoá sản xuất trong nước chiếm tỷ trọng lớn từ 80 - 90% như Co.opmart (90%), Winmart (90%), BRG Retail (80-90%)...

Các hệ thống phân phối có vốn đầu tư nước ngoài như: Aeon, Central Retail, MMMegaMarket, LotteMart… cũng có nhiều nỗ lực trong việc đóng góp cho cộng đồng nơi mở cơ sở kinh doanh bằng việc thu mua, hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ sản phẩm địa phương, đặc sản vùng miền (OCOP, hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu, hàng chủ lực của địa phương) và giữ tỷ lệ hàng Việt cao trong kênh phân phối của mình.

Để đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt, Bộ Công Thương dự kiến triển khai 4 nhóm giải pháp bao gồm: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về Cuộc vận động; Rà soát, bổ sung, ban hành luật pháp, cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất, tiêu dùng trong nước, bảo vệ người tiêu dùng, không trái với quy định của tổ chức Thương mại thế giới (WTO);

Hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường trong nước; Đồng thời, đổi mới công tác quản lý, chấn chỉnh công tác quản lý thị trường.