Hà Nội xây dựng nông nghiệp sạch
(ANTĐ) - Nông nghiệp dù chỉ đóng góp 5,53% GDP hàng năm, song, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn (tam nông) có ý nghĩa rất quan trọng. Thành ủy Hà Nội đã có Chương trình 02 để thực hiện vấn đề này. Tuy nhiên, sau 1 năm triển khai, nhiều yếu kém và khiếm khuyết đã bộc lộ.
Hà Nội sẽ xây dựng nền nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường |
Chấm dứt giết mổ thủ công vào năm 2010
Báo cáo của Sở NN&PTNT cho thấy, hiện tại, Hà Nội vẫn còn 63,5% dân số và 88% diện tích ở khu vực nông thôn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, triển khai thực hiện tam nông trên địa bàn thành phố có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng. Trong năm 2009, tỷ lệ đầu tư vào nông nghiệp tăng 1,5 lần so với năm 2008. Và trong thời gian tới, theo Sở NN&PTNT, đầu tư vào tam nông sẽ còn tăng, song làm thế nào để sử dụng nguồn vốn đầu tư hàng năm có hiệu quả, mang lại chuyển biến tích cực trong đời sống nông dân?
Bà Nguyễn Thị Như Mai - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, sau khi sáp nhập, sản xuất nông nghiệp Thủ đô đã đáp ứng được 60% nhu cầu về thịt, 70% nhu cầu về rau xanh cho toàn thành phố. “Đây là một tỷ trọng rất lớn, bản thân nền nông nghiệp của chúng ta tự sản xuất, tự cung cấp được, chúng ta phải biết phát huy để nó thực sự trở thành lợi thế của Thủ đô”, bà Mai nhận định. Tuy nhiên, bà Mai cho rằng, sản phẩm nông nghiệp muốn có giá trị cao phải đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, song hiện nay, phần lớn việc sản xuất, sơ chế của nông dân vẫn thủ công, chưa có ý thức về bảo quản khiến chất lượng, mẫu mã không cao, giá trị thấp. Bằng chứng cụ thể là, sản phẩm rau, thịt an toàn của người nông dân vẫn chưa thể triển khai vào được các siêu thị hay trung tâm thương mại, trong khi đây là kênh phân phối rất hữu hiệu. Nguyên nhân theo bà Mai do tỷ lệ rau an toàn của Hà Nội còn quá ít, chủng loại nghèo nàn, không đáp ứng được yêu cầu.
Để mở rộng mạng lưới kinh doanh rau an toàn trong thời gian tới, Sở Công Thương đã quy hoạch 8 chợ đầu mối nông sản, trong đó 2 chợ đầu mối cấp vùng để làm nơi buôn bán, trao đổi hàng nông sản. Đối với việc giết mổ gia súc, gia cầm, theo bà Mai, cuối năm 2010, 4 dự án lò giết mổ tập trung mà UBND giao cho Sở Công Thương đầu tư sẽ được hoàn thành đưa vào sử dụng, lúc này có thể chấm dứt tình trạng giết mổ nhỏ lẻ, thủ công trong nội thành, tại các huyện ngoại thành sẽ thực hiện từng bước, theo lộ trình dài hơi hơn.
Thí điểm xây dựng nông thôn mới tại 3 xã (ANTĐ) - Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, Ban chỉ đạo (BCĐ) chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) thành phố đã quyết định chọn 3 xã để làm điểm xây dựng mô hình NTM. Trước đó, xã Thụy Hương (Chương Mỹ) đã được Bộ NN&PTNT lựa chọn để xây dựng thí điểm mô hình này. Ba xã được chọn gồm: Mai Đình (Sóc Sơn), Đại áng (Thanh Trì) và Song Phượng (Đan Phượng). Đề án xây dựng thí điểm mô hình NTM cấp xã do Ban Quản lý xây dựng NTM của xã lập và tổ chức thực hiện, đồng thời có sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra giám sát của BCĐ thành phố, BCĐ huyện và tổ giúp việc. Theo kế hoạch, trong 6 tháng đầu năm 2010, sẽ tiến hành xây dựng đề án; trình phê duyệt đề án, tổ chức nhân dân trong xã học tập đề án. Từ tháng 7-2010 đến hết năm 2011, tiếp tục thực hiện đề án và tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm. Thông qua việc xây dựng thí điểm mô hình NTM ở 3 xã, kết hợp với đánh giá mô hình thực hiện tại xã Thụy Hương, nhằm rút kinh nghiệm để áp dụng và nhân rộng ở các xã trên địa bàn Hà Nội trong giai đoạn tiếp theo. Hạ Quỳnh |
Cùng xây dựng nông thôn mới
Nóng hơn nữa là vấn đề tam nông, dù đã qua 1 năm thực hiện, điển hình là việc triển khai xây dựng nông thôn mới nhưng đến nay vẫn chưa làm được gì đáng kể. Trong khi đó, nhiệm vụ đặt ra đối với Hà Nội từ nay đến năm 2020 là rất lớn. Hà Nội hiện còn hơn 400 xã, như vậy, để đạt chỉ tiêu 70% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới vào năm 2020, bình quân mỗi năm, Hà Nội phải xây dựng được 30 xã nông thôn mới. Đây là thách thức rất lớn.
Theo nhận định của đồng chí Phạm Quang Nghị - ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy trong buổi làm việc mới đây với Sở NN&PTNT cùng một số sở, ban ngành liên quan, nông nghiệp của chúng ta thời gian qua phát triển chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển tại khu vực nông thôn. “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn tồn tại nhiều khuyết điểm, yếu kém như: chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực này diễn ra rất chậm; hạ tầng kinh tế kỹ thuật chưa đồng đều; năng lực, ý thức trách nhiệm của cán bộ cơ sở chiếm tỷ lệ tương đối lớn chưa đáp ứng được yêu cầu...” - đồng chí Phạm Quang Nghị nhấn mạnh. Bởi vậy, trong giai đoạn tới, theo Bí thư Thành ủy cần tăng cường sự tham gia của các HTX nông nghiệp, các tổ chức, đoàn thể vào xây dựng tam nông, đưa kỹ thuật đến với người nông dân. Đặc biệt, đồng chí lưu ý vấn đề sản xuất nông sản an toàn: “Nông sản an toàn là cái mà người tiêu dùng đang rất cần. Nông nghiệp của Thủ đô phải hướng đến nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, bền vững và thân thiện với môi trường”.
Cũng theo Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, trong giai đoạn tới Hà Nội sẽ tăng cường hơn nữa đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, song, sẽ theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm để huy động sức dân vào công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Ngân Tuyền