Hà Nội: Người dân nín thở khi lưu thông qua "hầm chui" dưới nhà ga đường sắt trên cao

ANTD.VN - “Nhiều tháng nay, mỗi khi lưu thông qua đoạn đường hầm bằng sắt trên Quốc lộ 32 được dựng tạm để phục vụ thi công tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội, tôi luôn có cảm giác thấp thỏm, bất an, bởi chỉ cần một phút sơ ý của công nhân thi công ở bên trên, tính mạng của chúng tôi sẽ bị đe dọa”…

Vừa đi vừa run

Trên đây là phản ánh của chị Lê Thu Trà ở huyện Hoài Đức, Hà Nội tới Đường dây nóng Báo ANTĐ về sự nguy hiểm khi đi qua đoạn đường hầm bằng sắt trên Quốc lộ 32. Cũng theo chị Trà, đây là lối đi tạm cho người dân lưu thông theo hướng Hà Nội – Nhổn – Sơn Tây. Đoạn đường này chỉ dài khoảng 100m, cao 2m, rộng 2m nên khá tối và hẹp; xe máy chỉ có thể đi 1 hàng. Hầm nằm ngay dưới công trình đường sắt trên cao đang thi công, nóc hầm lợp mái tôn mỏng, khá sơ sài, xung quanh được quây lại bằng khung, rào thép.

Để đảm bảo an toàn cho người đi đường, đơn vị thi công đã có biển cảnh báo “khu vực đang thử tải nguy hiểm”. Tuy vậy, vào giờ tan tầm, lượng người và phương tiện qua lại đây rất đông đúc nên không mấy ai để ý đến tấm biển này. “Điều đáng nói là ngay đầu đường hầm là điểm cua nhập làn ô tô đi bên ngoài nên người bên trong đi ra chỉ cần thiếu quan sát sẽ rất dễ xảy ra tai nạn. Do vậy, mỗi khi đi qua đoạn hầm này, tim tôi như ngừng đập vì lo lắng nhưng vẫn đành “nhắm mắt đưa chân” vì chẳng còn sự lựa chọn nào khác” – chị Trà chia sẻ.

Người dân lưu thông trong đoạn đường hầm bằng sắt trên Quốc lộ 32

Còn theo ông Đỗ Bảo Thanh – người dân sống tại khu vực, mặc dù  mục đích làm đoạn đường hầm này là nhằm giảm ùn tắc giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân. Tuy vậy, ngay trên hầm chui là dự án đường sắt đang thi công với những tấm sắt và khối bê tông khổng lổ, trong khi đó nóc hầm chỉ được lợp tôn mỏng.

 “Khi xảy ra sự cố rơi nguyên vật liệu từ trên cao xuống, những tấm tôn này sẽ trở nên vô tác dụng. Chưa nói đến việc người dân lưu thông trong hầm sẽ bị bất ngờ, hoảng loạn dẫn đến chen chúc, xô đẩy nhau, khi đó hậu quả sẽ khôn lường. Thực tế thời gian qua đã xảy ra không ít vụ tai nạn gây thiệt hại cho người tham gia giao thông khi các đơn vị triển khai thi công công trình trên cao. Do vậy, để tránh xảy ra những vụ việc đáng tiếc, chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng cần sớm có giải pháp phân luồng giao thông hợp lý thay vì để đường hầm tạm như hiện nay” – ông Thanh đề xuất.

Cần đảm bảo an toàn cho người dân

Có mặt tại khu vực sáng 12-1, chúng tôi nhận thấy mật độ người và phương tiện qua lại đây khá dày đặc. Khi đi đến nút giao thông này, hầu hết các phương tiện đều phải giảm tốc độ để chui qua hầm.  Một số người đi bộ cũng chen chúc cùng xe máy bên trong. Trong khi đó phía bên trên, công nhân vẫn tiến hành thi công bình thường. Do sợ mất an toàn, một số chủ phương tiện khi vừa đến cửa hầm đã nhanh chóng quay ra đi chung với làn ô tô phía ngoài.

Liên quan đến sự an toàn của đoạn đường hầm “đặc biệt” này, ông Shinichi Mochuzuki - Chuyên gia giao thông tổ chức Car Free Day Nhật Bản cho rằng, trong quá trình xây dựng, có thể các nhà thầu và các đơn vị liên quan chưa đánh giá đầy đủ lưu lượng xe qua lại khu vực này là rất cao nên mới đưa ra giải pháp tạm thời để giải thoát lưu lượng xe trong giờ cao điểm. Tuy nhiên, ở góc độ xây dựng, tính mạng người dân là vô cùng quan trọng.

Nóc hầm được lợp sơ sài bằng tôn mỏng

Do vậy, nếu có thể, biện pháp tốt nhất là nên bố trí đoạn đường tránh ra khỏi phạm vi xây dựng để cho người dân đi qua được đảm bảo an toàn. Còn trong trường hợp ngược lại thì phải có giải pháp hữu hiệu phòng tránh trường hợp bị rơi vãi nguyên vật liệu từ trên cao xuống và hạn chế tối đa những nguy cơ xảy ra tai nạn đối với người đi đường.

Cũng theo ông Shinichi Mochuzuki, để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông tại khu vực các công trình đang thi công, một trong những yếu tố quan trọng cần phải nhấn mạnh là vai trò của chính quyền địa phương. Cơ quan này phải có trách nhiệm trong việc kiểm soát, và đánh giá các giải pháp của nhà thầu có đảm bảo an toàn cho người dân hay không…