Ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Hà Nội cùng lãnh đạo các cơ quan Trung ương và thành phố Hà Nội cắt băng khai mạc sự kiện Giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh Nam Bộ ngày 21/12/2022 |
Từ năm 2019 đến nay, thành phố có 1.649 sản phẩm OCOP, là đơn vị dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP, gồm: 04 sản phẩm 5 sao; 02 sản phẩm tiềm năng 5 sao đã được Trung ương đánh giá; 11 sản phẩm tiềm năng 5 sao của năm 2020 đã trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét đánh giá, phân hạng; 1.098 sản phẩm 4 sao và 534 sản phẩm 3 sao. Trong đó, ngành thực phẩm 1.071 sản phẩm; ngành đồ uống 35 sản phẩm; ngành thảo dược 17 sản phẩm; ngành thủ công mỹ nghệ 492 sản phẩm;, ngành vải và may mặc 34 sản phẩm.
Hà Nội có 4 sản phẩm OCOP đạt 5 sao gồm: Bộ bát đĩa gốm sứ hoa sen đỏ, bộ bát đĩa gốm sứ chim én hoa sen, bộ bát đĩa gốm sứ rồng phượng và bộ ấm chén gốm sứ chim én hoa sen. Bốn sản phẩm này do Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh (huyện Gia Lâm) sản xuất |
Năm 2022, Hà Nội dự kiến đánh giá, phân hạng khoảng 400 sản phẩm, tuy nhiên có tới 488 sản phẩm đăng ký. Đến nay, cấp huyện đã tiến hành đánh giá trên 200 sản phẩm; Hội đồng OCOP Thành phố đã đánh giá lần 1 được 160 sản phẩm và vẫn đang tiếp nhận văn bản, hồ sơ của các quận, huyện, thị xã đề nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2022.
Ông Nguyễn Văn Chí - Phó Chánh Văn phòng thường trực Văn phòng điều phối NTM Hà Nội cùng Hội đồng đánh giá phân hạng thành phố Hà Nội đánh giá phân hạng 47 sản phẩm OCOP của các quận, huyện: Hoàng Mai, Mỹ Đức, Sóc Sơn ngày 31/10/2022 |
Công tác đánh giá sản phẩm OCOP được thực hiện trên cơ sở bảo đảm công bằng, khách quan, minh bạch, chính xác theo các tiêu chí quy định tại Bộ Tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Các sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng OCOP đa dạng về chủng loại, mang nét đặc trưng, thế mạnh của từng địa phương, đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm hàng hóa, chủ yếu tập trung ở các huyện, thị xã, trong đó, chiếm số lượng lớn là nhóm ngành nông sản, thực phẩm, đồ uống; hàng thủ công mỹ nghệ.
Chương trình OCOP của Thành phố đã và đang tạo nên sức lan tỏa rộng khắp, nhận được sự ủng hộ của đông đảo các thành phần kinh tế, thu hút sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp, HTX và hộ sản xuất; góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng nghìn lao động khu vực nông thôn. Triển khai thực hiện thành công Chương trình OCOP còn góp phần qua trọng vào thắng lợi của Chương trình NTM Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025.
Ông Ngọ Văn Ngôn - Phó Chánh Văn phòng chuyên trách, Văn phòng điều phối NTM cùng Hội đồng đánh giá phân hạng thành phố Hà Nội đánh giá phân hạng 40 sản phẩm OCOP huyện Đông Anh ngày 9/12/2022 |
Chia sẻ về mục tiêu Chương trình OCOP Thủ đô trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Chí - Phó Chánh Văn phòng thường trực Văn phòng Điều phối NTM thành phố Hà Nội cho biết: “Hà Nội dẫn đầu cả nước về sản phẩm OCOP” lọt Top 10 sự kiện tiêu biểu Thủ đô năm 2022 là dấu ấn quan trọng khẳng định thành công của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) Thủ đô sau 4 năm thực hiện. Từ năm 2023 - 2025, Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiến Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm thành phố Hà Nội đến năm 2025 theo Quyết định số 1356/QĐ-UBND ngày 22/4/2022.
Mục tiêu đến năm 2025, Hà Nội có thêm 2.000 sản phẩm OCOP được chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên; trong đó có khoảng 3% sản phẩm tiềm năng 5 sao đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Quốc gia; cùng với đó, sẽ củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được UBND thành phố đánh giá; có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng hoặc tham gia liên kết chuỗi giá trị ổn định, hiệu quả; 100% các sản phẩm OCOP được tham gia các sự kiện trưng bày, giới thiệu, quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP. Các huyện, thị xã sẽ xây dựng ít nhất một trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu quảng bá sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch,…
Chương trình OCOP tạo động lực để các làng nghề phát triển, các nghệ nhân thể hiện tinh hoa làm, sáng tạo sản phẩm (Ảnh: Nghệ nhân Nguyễn Văn Chung, Làng nghề mây tre đan Phú Vinh có sản phẩm đạt OCOP 4 sao) |
Hà Nội đặt mục tiêu mỗi huyện, thị xã có ít nhất một sản phẩm OCOP thuộc nhóm “Dịch vụ cộng đồng và điểm du lịch"; khuyến khích các quận có một sản phẩm OCOP thuộc nhóm “Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch”. Ảnh: Khu du lịch trải nghiệm Phù Đổng Green Park tại xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm đạt tiêu chí sản phẩm OCOP 4 sao đang chờ thành phố công nhận |
Bài viết có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội