Gom công nghệ vào "ngôi nhà" vận tải là triệt tiêu mô hình kinh tế nền tảng?

ANTD.VN - Ứng dụng công nghệ để đổi mới các dịch vụ vận tải đã và đang được coi là xu thế chung của lĩnh vực vận tải trên thế giới. Tuy nhiên, tại Việt Nam, những tranh cãi trong quá trình thí điểm mô hình xe hợp đồng điện tử và trong quá trình sửa đổi Nghị định 86 vẫn đang còn nhiều bất cập.

Theo nhiều chuyên gia, nếu cứ “ràng” các doanh nghiệp công nghệ vào quản lý như doanh nghiệp vận tải, chiếu theo các quy định cũ, có phần “khuôn sáo” của nghị định 86 thời chưa có 4.0 thì nhiều khả năng sẽ “giết chết” các giá trị ưu việt của nền kinh tế chia sẻ, xoá bỏ ưu thế của hệ thống dữ liệu lớn, kết hợp với trí tuệ nhân tạo, từ đó, mất đi những bước nhảy vọt về phát triển kinh tế xã hội

Trao đổi về vấn đền này tại hội thảo về “Kinh tế chia sẻ và nền tảng” do Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam và Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tổ chức mới đây, PGS.TS, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đã chỉ ra một ví dụ điển hình rằng, trong vận hành kinh tế đặc thù của ngành giao thông thì quan điểm coi nền tảng kết nối là dịch vụ vận tải sẽ có những tác động tiêu cực đối với doanh nghiệp công nghệ, người sử dụng và đặc biệt là kéo xã hội đi thụt lùi với xu thế.

Kinh tế nền tảng là theo xu hướng mỗi nhà đảm nhiệm một khâu

Cụ thể, việc ghép chung doanh nghiệp cung cấp các ứng dụng công nghệ kết nối vào vai trò của một nhà cung cấp dịch vụ vận tải và phải chịu sự quản lý của cơ quản quản lý ngành là Bộ giao thông sẽ triệt tiêu chuyên môn hóa, gây ảnh hưởng tiêu cực tới phát triển nền tảng.

Điều này là hoàn toàn dễ hiểu vì thế mạnh của các đơn vị nền tảng có ưu thế trong việc xử lý hệ thống dữ liệu lớn, kết hợp với trí tuệ nhân tạo, để đưa ra đề xuất kết nối hành khách với phương tiện gần nhất và đề xuất hiệu quả nhất về giá cước cho mỗi chuyến đi.

Ngoài ra, việc buộc các doanh nghiệp công nghệ phải đáp ứng điều kiện của toàn bộ quá trình kinh doanh vận tải là một sự bất công, không hợp lý. “Quy định này không những làm biến đổi bản chất hoạt động của nền tảng, mà còn triệt tiêu phần lớn những ưu điểm công nghệ mang lại, biến nền tảng thành một kênh liên lạc đơn thuần”, chuyên gia Ngô Trí Long nhận định.

Cũng theo chuyên gia này, việc gom chung các doanh nghiêp công nghệ vốn chỉ có thế mạnh nền tảng vào một chế tài quản lý chung với các doanh nghiệp vận tải sẽ gây ra chồng chéo trong thực thi.

Quy định này cũng tạo nên sự chồng chéo về trong quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm giữa các bên khi đơn vị cung cấp nền tảng hợp tác với đơn vị vận tải. Bởi khi đó, hai chủ thể khác biệt sẽ phải chịu trách nhiệm cho cùng một hành vi kinh doanh là vận chuyển hành khách.

Từ góc độ của mình, TS. Ngô Vĩnh Bạch Dương, Trưởng phòng Pháp luật kinh tế, Viện Nhà nước và pháp luật cũng cho rằng, nếu chúng ta quan niệm, ai tham gia vào một khâu của chuỗi cung ứng là cung ứng dịch vụ đó thì là không hợp lý. Đối với dịch vụ Uber, Tòa Công lý của châu Âu đã phán quyết dịch vụ này nằm trong khu vực vận tải, nhưng nó có phải vận tải hay không thì Tòa không quyết định.

"Điều này hoàn toàn dễ hiểu vì việc quy định đơn vị nền tảng phải đáp ứng tất cả các điều kiện và quy định vận tải thì không đúng, anh là dân công nghệ, như T.Net, lại bắt phải mua cả một đội xe, rồi quy định phòng cháy chữa cháy, huấn luyện lái xe, v.v. là điều vô lý”, TS Ngô Vĩnh Bạch Dương nhấn mạnh.

Cũng theo chuyên gia này, bản chất của mô hình kinh tế nền tảng này có tính chất “sàn” rất rõ ràng trong Nghị định 52. Mặc dù nghị định này còn chút chật hẹp, nhưng vẫn còn “mặc được” đối với các dịch vụ nền tảng. Trong khi đó, Nghị định 86 lại đang muốn lôi phần việc của Bộ Công Thương sang cho Bộ GTVT, vì bên nào cung cấp dịch vụ gì thì bên đó phải áp dụng các điều kiện kinh doanh của ngành đó.

Nhận định về quan điểm bên nào cung cấp dịch vụ gì thì bên đó phải áp dụng các điều kiện kinh doanh của ngành đó, TS Ngô Vĩnh Bạch  Dương cũng cho rằng: “Chắc chắn một điều được thừa nhận rộng rãi rằng, các doanh nghiệp không nhất thiết phải thực hiện tất cả các công đoạn của một chuỗi cung ứng dịch vụ, mà có thể lựa chọn một hoặc một số các công đoạn để đầu tư. Trong quá trình quản lý các nền tảng, Nhà nước cần chú trọng xem xét các điều kiện giao dịch chung, đặc biệt trong việc phân định trách nhiệm các bên để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và bảo vệ các đối tác yếu thế trong giao dịch”.

Ứng dụng công nghệ làm nền tảng kết nối vận tải là đi cùng xu thế mới

 Mới đây, trong cuộc họp lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 86/2014/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh vận tải, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cũng cho rằng: “Trong điều kiện hiện nay, taxi truyền thống cần đầu tư thêm ứng dụng công nghệ như Grab để trở thành hãng taxi “Thiên thời địa lợi, nhân hòa”, đảm bảo uy tín chất lượng và phát triển bền vững”.

Theo đánh giá của Bộ GTVT, thực tế cho đến nay, sau hơn 2 năm thí điểm, việc quy định doanh nghiệp và hợp tác xã mới được thí điểm ứng dụng hợp đồng điện tử là phù hợp trong quản lý vận tải cũng như quản lý thuế. 

Theo Quyết định số 24/QĐ-BGTVT của Bộ GTVT, cùng với sự có mặt của các ứng dụng công nghệ Grab, Uber, các công ty taxi truyền thống như Vinasun, Mai Linh… cũng có mặt trong trong danh sách 8 đơn vị được phép triển khai thí điểm xe hợp đồng điện tử.

Nhờ có cú hích mới này, dịch vụ của các hãng taxi truyền thống cũng có những động thái thay đổi đáng kể. Đồng thời, sự có mặt của các nhà cung cấp ứng dụng kết nối xe công nghệ như Grab cũng mang lại cho xã hội nhiều cơ hội di chuyển văn minh, tiết kiệm, an toàn và tạo công ăn việc làm cho hàng trăm nghìn người.