Gói vay tiền lãi suất ưu đãi mua nhà ở xã hội bao giờ triển khai?

ANTD.VN - Các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội gần như chưa tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi. Trở ngại lớn nhất là do Nhà nước chưa bố trí đủ nguồn vốn ngân sách để thực hiện chính sách nhà ở xã hội.

Các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội gần như chưa tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi. Trở ngại lớn nhất là do Nhà nước chưa bố trí đủ nguồn vốn ngân sách để thực hiện chính sách nhà ở xã hội.

Vẫn chưa tiếp cận được vốn vay ưu đãi

Cuối tháng 12-2017, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 2735/QĐ-NHNN về mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2018 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở thuộc gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ là 5%/năm.

Sau đó ít ngày, 22-1-2018, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 117/QĐ-TTg về mức lãi suất cho vay ưu đãi của các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định để thực hiện chính sách nhà ở xã hội, áp dụng trong năm 2018 là 5%/năm. Mức lãi suất này được áp dụng đối với dư nợ của các khoản cho vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP.

Tuy nhiên, theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), trong hơn 2 năm qua (kể từ 1-7-2015 đến nay) các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội gần như chưa tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi. Trở ngại lớn nhất là do Nhà nước chưa bố trí đủ nguồn vốn ngân sách để thực hiện chính sách nhà ở xã hội.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, hiện trong 21 chương trình mục tiêu được phân bổ vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2016 – 2020 đã không có Chương trình mục tiêu thực hiện chính sách nhà ở xã hội. Vì vậy, nên trong năm 2016 không có nguồn chi thực hiện chính sách nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở 2014.

Đến ngày 26/04/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có văn bản gửi Chính phủ về phương án phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đối với phần vốn còn lại, đồng ý bổ sung 2.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội, trong đó dành một phần bổ sung để thực hiện chính sách nhà ở xã hội.

Hiện người dân vẫn chưa nhận được thông tin nào về việc sẽ chính thức triển khai gói vay ưu đãi nhà ở xã hội từ ngân hàng

“Hiệp hội được biết, chỉ còn 1.260 tỷ đồng được phân bổ để thực hiện chính sách nhà ở xã hội, nhưng trên thực tế các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội vẫn chưa được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi này” – người đứng đầu HoREA cho biết.

Sẽ triển khai trong năm 2018

Theo quy định, các ngân hàng được chỉ định thực hiện cho vay nhà ở xã hội sẽ được bố trí 50% nguồn lực vốn từ ngân sách, phần vốn đối ứng còn lại sẽ do ngân hàng tự huy động.

Đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, ngân hàng này đã chủ động tập trung để nghiên cứu cơ chế và tập huấn cho các đơn vị địa phương về các quy trình nghiệp vụ cho vay mua nhà xã hội cũng như huy động nguồn lực vốn từ dân cư để chuẩn bị cho chương trình này.

Hiện Chính phủ đã cơ cấu dành cho ngân hàng 500 tỷ đồng để thực hiện chính sách này, ngân hàng cũng huy động 500 tỷ đồng nữa. Ngoài ra, nhiều địa phương cũng có kế hoạch ủy thác cho vay chương trình này.

Tuy nhiên, trên thực tế đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có một thông báo nào về việc sẽ chính thức thực hiện cho vay nhà ở xã hội. Tuy nhiên, theo như khẳng định của đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội thì ngân hàng này sẽ thực hiện cho vay ngay từ đầu năm 2018.

Để chương trình thực sự hiệu quả, đi vào ổn định, HoREA kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung Chương trình mục tiêu thực hiện chính sách nhà ở xã hội vào các chương trình mục tiêu được phân bổ nguồn vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2016-2020 để có căn cứ pháp luật bố trí khoản chi ngân sách thực hiện chính sách nhà ở xã hội hàng năm tùy theo khả năng ngân sách nhà nước

“Trước mắt, đối với khoản chi ngân sách 1.260 tỷ đồng, Hiệp hội kiến nghị phân bổ khoảng 1.000 tỷ đồng (trong nguồn vốn 2.000 tỷ đồng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân bổ cho Ngân hàng Chính sách xã hội) cho 4 tổ chức tín dụng là Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV để sớm triển khai cấp tín dụng cho các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội

Về lâu dài, HoREA kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước có cơ chế thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, theo quy định của Luật Nhà ở, trước hết là các dự án nhà ở xã hội cho thuê, tương tự như Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ trước đây, để làm giảm giá thành nhà ở xã hội.  

Theo quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP, khách hàng là hộ gia đình, cá nhân khi vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội phải thực hiện việc gửi tiết kiệm tại Ngân hàng Chính sách xã hội hàng tháng, với thời gian tối thiểu 12 tháng và mức gửi theo quy định của bên cho vay.

Theo đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội, ngân hàng này sẽ có hai phương pháp: Thứ nhất, cho vay rồi mới thực hiện gửi tiết kiệm; thứ hai, gửi tiết kiệm rồi mới cho vay.

“Khách hàng gửi tiết kiệm cần xác định rõ, hoạt động tiết kiệm này không phải tiết kiệm lấy lãi, mà thực chất là hoạt động tiết kiệm của người vay vốn nhằm tạo vốn tự có tham gia vào dự án vay vốn.” – ông Nguyễn Văn Lý – Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết.