Giữa VFF và HLV Phan Thanh Hùng có “luật bất thành văn”

ANTĐ - Cựu trưởng đoàn tuyển Việt Nam, Ngô Lê Bằng đã tiết lộ như vậy, như để lý giải một phần nguyên nhân dẫn đến quyết định "sẽ không bao giờ nhận chức trưởng đoàn nữa" của mình.  

Những ngày qua là khoảng thời gian không hề dễ chịu với bất cứ thành viên nào của ĐT Việt Nam và cả lãnh đạo VFF, khi từ truyền thông đến dư luận đều chĩa mũi dùi xoáy vào thất bại đau đớn nhất tại sân chơi AFF Cup. Thất bại có nghĩa là đã sai, mà trong cái sai đó phải có một (hoặc vài) người bị chỉ trích. Tất nhiên, ông trưởng đoàn Ngô Lê Bằng là người được “lôi” ra đầu tiên.  

Ông Bằng lên nắm chức Tổng thư ký VFF trong vai người dự bị, khi Phó Tổng thư kí khi đó là ông Dương Nghiệp Khôi bất ngờ từ chối phút chót. Trong những cuộc chuyện lúc trà dư tửu hậu của dân bóng đá, người ta thường bảo ông Bằng là “điếc không sợ súng”. Có vậy, mới dám ngồi "ghế nóng" Tổng thư kí, vốn luôn sóng gió.

Thất bại mang tên AFF Cup 2012 vừa qua, với cá nhân người viết, ông Bằng chỉ như một nạn nhận khi mà người ta đã ấn vào tay ông chức trưởng đoàn, cái chức mà hễ cứ đội tuyển thất bại, bất kể lý do gì đều sẽ phải “đứng mũi chịu sào”, lĩnh búa rìu dư luận.     

Ở tuyển Việt Nam, ông Bằng là người hiền lành, dễ mến

Trong một lần trao đổi cởi mở với người viết, Tổng thư ký VFF Ngô Lê Bằng tâm sự rất thật rằng: “Mình không hiểu vì sao người ta lại có thể nhìn theo cách phiến diện, rồi chỉ trích thậm tệ rằng ông trưởng đoàn không giúp gì chuyên môn cho BHL đội tuyển! Họ đâu biết, giữa VFF và HLV trưởng luôn có những “luật bất thành văn”, và cả HLV Phan Thanh Hùng cũng không phải ngoại lệ”.

Cái “luật bất thành văn” mà ông Bằng nói, chính là việc lâu nay Liên đoàn thường rất rụt rè trong việc góp ý chuyên môn và thường ủy thác hoàn toàn cho HLV trưởng cùng các thành viên BHL. Đơn giản vì “thói quen” dùng HLV ngoại, lại luôn sợ họ phật lòng nên VFF không muốn can thiệp quá sâu vào công tác chuyên môn của họ. 

Cũng chính bởi cái “luật bất thành văn” đó, mà từ ông trưởng đoàn đến ông Phó chủ tịch VFF đi theo đội chẳng thể làm gì hơn trong vấn đề chuyên môn. Việc duy nhất họ có thể làm là toàn tâm toàn ý lo khâu hậu cần và củng cố tinh thần cho các tuyển thủ.

...và quan tâm tới sức khỏe lẫn tâm tư các tuyển thủ

Tận mắt theo dõi hành trình của ĐT Việt Nam thi đấu tại Thái Lan vừa qua mới thấy, ông Bằng mệt cũng chẳng kém gì các tuyển thủ. Hết họp báo, trả lời truyền thông quốc tế, rồi lại lao tới sân xem đội tuyển tập tành thế nào, sức khỏe ra sao, chất lượng thế nào. Hết buổi lại cùng BHL họp bàn, chuẩn bị cho trận đấu tiếp theo. Điện thoại thì luôn trong tình trạng “hoạt động hết công suất” bởi những câu hỏi của cánh phóng viên.

Nhưng điều khiến người viết tâm đắc nhất ở ông trưởng đoàn nổi tiếng “lành” này, chính là cái cách ông tạo bầu không khí lạc quan, hòa đồng giữa các tuyển thủ. Dường như ở mọi buổi tập của đội, ông Bằng đều tham gia màn khởi động đá bóng “ma” cùng các cầu thủ với nụ cười luôn thường trực. Theo ông, với vai trò trưởng đoàn, ông không thể gục ngã và không thể ôm gương mặt buồn ủ rũ trước mặt các tuyển thủ. Chính điều đó đã giúp các cầu thủ tìm lại niềm vui và sự tự tin (chí ít là vậy), nhất là sau những kết quả không như ý.

Ông Bằng báo tin vui: U22 thắng SG.XT, lọt vào bán kết BTV Cup cho HLV Phan Thanh Hùng và các tuyển thủ để động viên tinh thần trước trận ra quân AFF Cup 2012 gặp Myanmar

Ông Bằng tâm sự: “Không tham gia công tác chuyên môn, nhưng mình luôn tâm niệm phải làm sao làm gương cho các cầu thủ. Người ta nói mình đường đường là trưởng đoàn lại đi nhặt bóng, nhặt rác cho cầu thủ rồi thế này thế nọ. Nhưng với mình, việc giữ hình ảnh cho các tuyển thủ, cho ĐT Việt Nam với bạn bè quốc tế là trách nhiệm hàng đầu”.

Kết thúc cuộc trò chuyện với người viết, vị Tổng thư ký VFF chia sẻ rất thật: “Nói thật nhé, giờ mình thấy rất thanh thản và không hề hổ thẹn với lương tâm bởi đã làm tất cả, với chức trách, bổn phận của một trưởng đoàn và cả tình yêu dành cho ĐTQG. Thế nhưng, giờ nếu có được cử làm trưởng đoàn mình cũng không dám nhận nữa. Không bao giờ nữa”.