Giữ quyền định giá điện, xăng

ANTĐ - Hôm qua, 11-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về 3 dự án: Luật Dự trữ quốc gia; Luật Giá và dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Tại phiên họp, nhiều ý kiến đặc biệt quan tâm tới vấn đề quản lý giá điện, nước, xăng dầu.

Chưa tới lúc “thả nổi” hoàn toàn giá điện, nước, xăng dầu

Liên quan tới dự án Luật Giá, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết, dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng cơ quan có thẩm quyền sẽ chỉ lựa chọn hàng hóa, dịch vụ cần thiết phải bình ổn tại những thời điểm có biến động bất thường về giá. Nếu thị trường ổn định thì có thể không cần áp dụng bình ổn với bất kỳ hàng hóa, dịch vụ nào. Đáng lưu ý, một số mặt hàng trong danh mục cần bình ổn giá hiện hành như sắt, thép, xi măng đã được bỏ ra khỏi dự thảo luật. 

Về hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, dự thảo đã quy định cụ thể các tiêu chí và xác định ngay trong Luật danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá gồm 11 nhóm hàng hóa dịch vụ, trong đó bao gồm nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước, nhà ở công vụ, nhà ở xã hội; điện, dịch vụ chuyển tải điện, dịch vụ đấu nối lưới điện truyền tải, phân phối điện; nước sạch; xăng dầu thành phẩm; dịch vụ khám chữa bệnh và dịch vụ giáo dục đào tạo tại các cơ sở của Nhà nước; đất đai, mặt nước, rừng…

  

Giải trình thêm về danh mục bình ổn giá, Nhà nước định giá, ông Phùng Quốc Hiển cho biết, quan điểm của Ủy ban Tài chính - Ngân sách là dần dần thu hẹp các danh mục này. Ông lý giải: “Những mặt hàng trong danh mục Nhà nước định giá được xác định trên nguyên tắc là những hàng hóa, dịch vụ có sử dụng ngân sách Nhà nước (như nhà công vụ); hiện đang được sản xuất hay cung cấp độc quyền (như điện, xăng dầu thành phẩm) hoặc thuộc loại thiết yếu đối với đời sống của người dân”. 

Tại phiên họp, nhiều ý kiến trong UBTVQH bày tỏ quan tâm đến một số loại hàng hóa, dịch vụ cụ thể trong 2 danh mục nói trên, đặc biệt là điện và xăng dầu thành phẩm. Có ý kiến cho rằng, có nhiều hàng hóa, dịch vụ trong số này (như xăng dầu, nước sạch, điện, dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa...) chỉ nên để ở danh mục thực hiện bình ổn giá thay vì Nhà nước định giá để đảm bảo tính chất “thị trường”, tránh tối đa việc can thiệp hành chính vào nền kinh tế. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị rà soát 2 danh mục nêu trên, đặc biệt quan tâm đến hai mặt hàng là điện và xăng dầu để không mâu thuẫn với hệ thống pháp luật hiện hành cũng như không trái với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội, quy định đăng ký giá đối với các mặt hàng thực hiện bình ổn giá là cần thiết, song dự thảo luật cần thể hiện sao cho việc đăng ký giá không trở thành một loại “giấy phép con”, ảnh hưởng đến quyền tự quyết trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

 Liên quan tới dự Luật Dự trữ quốc gia (DTQG), đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị không quy định DTQG bằng tiền, mà chỉ nên dự trữ bằng hàng hóa, vật tư thiết yếu. Về dự án Luật Tài nguyên nước, dự thảo Luật lần này có quy định về việc phòng chống và khắc phục hậu quả, tác hại do nước gây ra. Trong đó, bao gồm việc xây dựng, vận hành các công trình khai thác, sử dụng nước không đảm bảo hài hòa giữa các lợi ích và đặc biệt là việc xả nước của các hồ chứa thủy điện gây ra lũ nhân tạo, hạn nhân tạo; gây xói lở bờ sông...