Giới khởi nghiệp Việt Nam thu hút sự quan tâm của các quỹ đầu tư ngoại

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việt Nam đang được xem là điểm đến hấp dẫn với các quỹ đầu tư châu Á và châu Âu. Đây là cơ hội để các startup Việt Nam vươn lên đón nhận sự dịch chuyển của dòng vốn toàn cầu.
Bất chấp tác động của đại dịch Covid-19, vốn đầu tư mạo hiểm cho các startup tại Việt Nam trong giai đoạn 2020 - 2022 đạt mức kỷ lục

Bất chấp tác động của đại dịch Covid-19, vốn đầu tư mạo hiểm cho các startup tại Việt Nam trong giai đoạn 2020 - 2022 đạt mức kỷ lục

“Viên ngọc quý mới nhất của Đông Nam Á”

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng số vốn đầu tư mạo hiểm của các quỹ đầu tư trong và ngoài nước giai đoạn 2020 - 2022 đã lên tới 2,6 tỷ USD, hơn gấp 3 lần so với dự kiến ban đầu. Còn theo Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia Việt Nam (NIC), các công ty khởi nghiệp Việt Nam đã huy động được mức kỷ lục 1,4 tỷ USD với trên 165 giao dịch vào năm 2021, tăng 1,6 lần so với mức 894 triệu USD và 126 giao dịch vào năm 2019. Điều này cho thấy hoạt động giao dịch trên thị trường đã được cải thiện đáng kể, lấy lại động lực sau khi sụt giảm do đại dịch Covid-19.

Nhiều thương vụ rót vốn vào các startup Việt đã lên tới hàng trăm triệu USD. Tiêu biểu như thương vụ rót 150 triệu USD vào Sky Mavis, công ty đứng sau trò chơi Axie Infinity. Một thương vụ khác cũng thu hút được nhiều sự chú ý là Quadria Capital (quỹ đầu tư quản lý danh mục tài sản 2,5 tỷ USD) rót 90 triệu USD vào Công ty cổ phần Con Cưng. Bên cạnh những thương vụ “khủng”, còn khá nhiều thương vụ với mức đầu tư nhỏ hơn. Cụ thể, Công ty OnPoint cung cấp giải pháp hỗ trợ thương mại điện tử đã gọi vốn thành công từ một thành viên của Quỹ đầu tư SeaTown Private Capital Master Fund. Tổng giá trị đầu tư của SeaTown lên đến 50 triệu USD và đây là thương vụ rót vốn lớn nhất trong ngành hỗ trợ phát triển thương mại điện tử tại Đông Nam Á trong 5 năm qua.

Ngoài ra, còn có các thương vụ nổi bật khác như Ngân hàng số Timo gọi vốn thành công từ tập đoàn đầu tư mạo hiểm của Australia và nhóm nhà đầu tư nước ngoài, với tổng vốn 20 triệu USD. Hay thương vụ Jio Health, startup trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe có trụ sở tại Việt Nam, vừa hoàn thiện vòng gọi vốn series B trị giá 20 triệu USD do Quỹ đầu tư Heritas Capital có trụ sở tại Singapore dẫn đầu. Sản phẩm vòng hỗ trợ giấc ngủ cũng nhận được vốn đầu tư gần 10 triệu USD từ Founders Fund, quỹ đầu tư có trụ sở ở Thung lũng Silicon, Mỹ.

Hiện 39 quỹ đầu tư đang hoạt động tại Việt Nam đã cam kết sẽ rót thêm 1,5 tỷ USD cho thị trường khởi nghiệp Việt Nam từ nay đến hết năm 2025. Một lượng vốn lên đến hàng chục triệu USD từ các quỹ ngoại đang chờ đợi đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực blockchain (công nghệ chuỗi khối) tại Việt Nam. Các chuyên gia dự báo thị trường blockchain Việt Nam sau nhiều năm “dò đá qua sông” sẽ sớm có bước tăng trưởng nhanh nhờ nhiều yếu tố hỗ trợ.

Theo các chuyên gia Hàn Quốc, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ chuyển đổi số nhanh, có dân số trẻ nên được coi là điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với doanh nghiệp tại xứ sở kim chi. Còn theo Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), Việt Nam mang lại cơ hội đầu tư lớn cho các doanh nghiệp châu Âu cũng như triển vọng phát triển trong trung và ngắn hạn. 42% người tham gia khảo sát dự đoán công ty của họ sẽ tăng dòng vốn FDI vào Việt Nam tại nhiều lĩnh vực hơn, đặc biệt là startup. Ông Nguyễn Hải Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cho biết: “Ngân sách của Ủy ban châu Âu dành cho đầu tư công nghệ mới của các doanh nghiệp vừa và nhỏ khá lớn, lên đến vài tỷ euro. Khi các doanh nghiệp châu Âu nhận được ngân sách như vậy và sau khi hoàn thành được nghiên cứu và tạo ra công nghệ của mình, chắc chắn họ sẽ có xu hướng áp dụng ở các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam”.

Trong khi đó, ông Vinnie Lauria, đồng sáng lập quỹ đầu tư Golden Gate Ventures, cho biết: “Việt Nam hiện được đánh giá là viên ngọc quý mới nhất của Đông Nam Á. Đây là kết quả từ sức hấp dẫn của thị trường với các nhà đầu tư, cũng như sự hỗ trợ từ phía Chính phủ với hệ sinh thái khởi nghiệp. Golden Gate Ventures đang đầu tư rất mạnh mẽ vào Việt Nam, chúng tôi đã có 10 dự án ở đây và hy vọng sẽ tăng gấp đôi số lượng trong 1 - 2 năm tới”.

Cần tận dụng cơ hội từ “Tam giác vàng khởi nghiệp”

Trong bối cảnh biến động địa chính trị gay gắt và khả năng suy thoái hiện hữu tại nhiều nền kinh tế lớn, đầu tư toàn cầu có nhiều thay đổi sâu sắc. Sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư đã và đang diễn ra mạnh mẽ giữa các khu vực và quốc gia, trong đó các cơ hội đầu tư đang càng trở nên khó khăn hơn đối với cả các startup và các nhà đầu tư.

Theo phân tích của Crunchbase News, tổng vốn đầu tư mạo hiểm toàn cầu trong quý III-2022 là 81 tỷ USD, giảm 90 tỷ USD (53%) so với năm trước và 40 tỷ USD (33%) so với quý trước. Tại Đông Nam Á, thị trường đầu tư khởi nghiệp sáng tạo thu hút 3,72 tỷ USD trong quý III-2022, giảm 36,4% so với cùng kỳ năm trước và giảm 22% so với quý II-2022.

Tình hình đó đặt giới khởi nghiệp Việt Nam trước nhiều thách thức. Trước hết, startup luôn phải gắn với môi trường kinh doanh, với kinh tế vĩ mô, nên không thể nói rằng startup không bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế hiện tại. Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp lớn trong nước, khu vực bị ảnh hưởng, các nhà đầu tư và quỹ đầu tư sẽ cân nhắc, lưu tâm nhiều hơn nữa đến hiệu quả hoạt động của các startup trước khi rót vốn. Tiếp đó, việc nhiều cổ phiếu công nghệ lớn trên thế giới giảm tốc, lãi suất nhiều ngân hàng lớn tăng mạnh, nhất là những lời khuyên như “tiền mặt là vua” khi kinh tế khó khăn, khiến các công ty khởi nghiệp nói chung và giới khởi nghiệp ở Việt Nam nói riêng trở nên ít hấp dẫn hơn. Các quỹ, nhà đầu tư chắc chắn sẽ cân nhắc trong việc rót vốn vào các công ty chỉ ở dạng tiềm năng, mà muốn đưa vốn vào những nơi trú ẩn an toàn.

Thực tế, đây được cho là thời gian để gạn lọc các startup thực sự có chất lượng. Vì thế, các startup cần xây dựng năng lực, hệ thống của mình tốt hơn, để khi có thời cơ sẵn sàng tăng tốc gọi vốn. Các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư không hoàn toàn “ngủ đông” mà đang âm thầm tìm kiếm những startup tốt, phù hợp để rót vốn. Trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới, startup Việt cần linh hoạt tìm được lối đi, cách đi riêng và nhanh hơn, mới có thể gọi vốn lớn được.

Các startup Việt cũng cần tận dụng cơ hội từ cái gọi là “Tam giác vàng khởi nghiệp” Đông Nam Á, thuật ngữ chỉ sự “cộng sinh” của các thị trường Singapore, Indonesia và Việt Nam mở ra cơ hội tăng trưởng tiếp theo cho Đông Nam Á. Theo đó, Singapore đóng vai trò quan trọng như một “thị trường kết nối” ở Đông Nam Á, chịu trách nhiệm tiên phong và lãnh đạo hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trong khi đó, với lợi thế là quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á, Indonesia mang đến một thị trường tiêu dùng khổng lồ đang phát triển trên nền tảng di động và có hiểu biết về kỹ thuật số, đặc biệt là trong phân khúc thương mại điện tử. Còn Việt Nam tham gia “Tam giác vàng khởi nghiệp” bằng cách mang tới một thị trường nội địa trẻ, sôi nổi với những tài năng công nghệ lớn và sự đổi mới liên tục. Cơ hội từ “Tam giác vàng” này khó có thể tái tạo ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới và sức mạnh của bộ ba Singapore - Indonesia - Việt Nam sẽ khiến Đông Nam Á trở thành thỏi nam châm thu hút dòng vốn đầu tư toàn cầu.