Giao thương với đối tác Trung Quốc: Còn bị động, còn chịu thiệt thòi

ANTĐ - Cả người dân và doanh nghiệp Việt Nam trong nhiều trường hợp làm ăn với thương lái Trung Quốc đều ở thế bị động, phải chịu thiệt thòi. Trong bối cảnh tình hình Biển Đông còn diễn biến phức tạp, giao thương với đối tác Trung Quốc càng phải chủ động và thận trọng hơn.

Cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại để tìm hướng đi mới cho nông sản Việt Nam
(Trong ảnh: Xe nông sản xếp hàng chờ xuất khẩu sang Trung Quốc
 ở cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn)

Nên mua đứt, bán đoạn

Trao đổi với báo chí, chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng khuyến nghị, trong khi mối quan hệ giao thương biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc còn phức tạp, căng thẳng trên Biển Đông còn tiếp diễn, xuất khẩu sang Trung Quốc không tránh khỏi rủi ro. “Để hạn chế thiệt hại, doanh nghiệp nên chuyển sang hình thức mua bán kiểu “tiền trao, cháo múc“; hay lấy hàng đổi hàng sẽ đỡ rủi ro hơn” - vị chuyên gia này cảnh báo.

Thực tế cho thấy, Trung Quốc là một trong những đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, cả theo đường chính ngạch và tiểu ngạch. Trong đó, hàng Việt Nam xuất sang Trung Quốc chủ yếu là nông sản với tỷ trọng khoảng 32% tổng kim ngạch hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do sự “không ổn định” trong cách thức làm ăn của thương nhân Trung Quốc mà giá nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam bị sụt giảm. Ví dụ như mặt hàng điều, khoai lang, sắn… Một chuyên gia về xuất nhập khẩu cho hay: “Thương lái Trung Quốc đang ở Việt Nam thu mua tích cực với giá ổn định lại đột ngột về nước, không thu mua nữa đã khiến một số mặt hàng nông sản của Việt Nam bị sụt giảm mạnh về lượng và giá xuất khẩu. Kiểu làm ăn chộp giật này chỉ người dân mình là thiệt”.

Đầu tháng 5-2014, Thương vụ Việt Nam tại Hồng Kông (Trung Quốc) cảnh báo doanh nghiệp Việt Nam cần thận trọng khi làm ăn với đối tác Hồng Kông vì một số doanh nghiệp Việt Nam mua bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ cho đối tác Hồng Kông đã bị phía đối tác lừa đảo, không trả tiền, chiếm đoạt tiền. Đối tác thường chào hàng với giá rất hấp dẫn, điều kiện thanh toán, giao hàng thuận lợi nên doanh nghiệp Việt Nam nhanh chóng ký hợp đồng...

Chủ động trong xuất khẩu

Bộ Công Thương cho biết, việc giao thương với Trung Quốc hiện vẫn diễn ra bình thường. Ở khu vực phía Bắc, các cửa khẩu vẫn mở cửa hoạt động và chưa có gì thay đổi. Tuy nhiên, cả người dân và doanh nghiệp Việt Nam nên chủ động trong hoạt động xuất khẩu, tránh bị thiệt hại. Người dân Việt Nam thường bị động trong các giao dịch với thương nhân Trung Quốc nên khi thấy họ ồ ạt mua vào, được giá là đồng loạt bán, thiếu chiến lược” - lãnh đạo Bộ Công Thương nói. Vì vậy, theo vị lãnh đạo này, doanh nghiệp và người dân phải chuẩn bị chu đáo và đón đầu khi xuất khẩu sang Trung Quốc. Bên cạnh đó, phía cơ quan quản lý nên đầu tư xây dựng trạm trung chuyển, kho bãi, bảo quản hàng hóa tại khu vực cửa khẩu để tránh hư hỏng gây mất giá. 

Phía Trung Quốc có hệ thống “bao biên”, người thu mua nông sản là người nhận lệnh từ xa để giao dịch ở khu vực biên giới. Việt Nam có thể học cách làm này. Khi giao dịch mua bán hàng hóa với Trung Quốc cần có thông tin rõ ràng, cam kết chặt chẽ để tránh bị thiệt hại.