Giành giật Nam Á

ANTĐ - Thủ tướng Nhật Bản S. Abe đã bắt đầu chuyến thăm 3 ngày tới hai quốc gia Nam Á là Bangladesh và Sri Lanka trong nỗ lực mà các nhà  phân tích chính trị cho là nhằm giành giật ảnh hưởng với Trung Quốc tại  khu vực này. 

Ông S. Abe được đón tiếp trọng thể ở Bangladesh

Đây là lần đầu tiên trong 14 năm qua, Thủ tướng Nhật Bản đến thăm Bangladesh. Đối với Sri Lanka, sự đứt quãng trong trao đổi đoàn cấp cao giữa Tokyo và Colombo còn dài hơn, tới 24 năm. Giải thích cho sự thay đổi này, Thủ tướng Nhật Bản S. Abe cho rằng những lợi thế của Bangladesh và Sri Lanka sẽ giúp tái sinh nền kinh tế Nhật Bản.

Nằm bên bờ Ấn Độ Dương, dọc theo tuyến đường biển từ Trung Đông sang Đông Á, Bangladesh và Sri Lanka ngày càng có vai trò quan trọng trong cuộc đua giữa các cường quốc lớn, trong đó có Nhật Bản và Trung Quốc. Đối với Nhật Bản và Trung Quốc, những nước phải nhập khẩu phần lớn năng lượng, Ấn Độ Dương là một tuyến đường biển quan trọng, cung cấp dầu mỏ và khí hóa lỏng từ Trung Đông. Bangladesh và Sri Lanka cũng là những thị trường mới đầy hấp dẫn với các cơ hội về đầu tư và thương mại.

Trong cuộc đua này, xem ra Bắc Kinh có phần nhanh chân hơn Tokyo. Con số đầu tư của Nhật Bản vào Bangladesh và Sri Lanka thấp hơn nhiều so với Trung Quốc. Thập kỷ vừa qua, Bắc Kinh đã đổ nhiều tiền vào giúp xây dựng hải cảng cho các nước dọc theo tuyến đường hàng hải chạy qua Ấn Độ Dương. Mới năm ngoái, một hải cảng trị giá 500 triệu USD do Trung Quốc đầu tư ở Sri Lanka đã đi vào hoạt động.

Những căng thẳng trên Biển Hoa Đông liên quan đến các hòn đảo tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản càng làm cho cuộc đua giành ảnh hưởng trên thế giới giữa Tokyo và Bắc Kinh nóng thêm. Trong bối cảnh đó, chuyến công du của ông 

S. Abe đến Bangladesh và Sri Lanka chính là nhằm thu hẹp khoảng cách tụt hậu về ảnh hưởng của Nhật Bản ở Nam Á so với Trung Quốc. “Họ (Nhật Bản) nhận thức được rằng chúng tôi đang phụ thuộc vào ảnh hưởng của Trung Quốc theo nhiều cách vì thế họ muốn ngăn cản điều đó”, ông N. Godaga, một nhà ngoại giao Sri Lanka nghiên cứu chính sách ngoại giao Nhật Bản nhận định.

Điều đó giải thích vì sao tháp tùng ông S. Abe đến Nam Á là “đội quân” hùng hậu gồm 50 giám đốc điều hành của những công ty hàng đầu Nhật Bản. Hàng loạt những dự án đầu tư lớn cũng đã được ông S. Abe đặt lên bàn đàm phán. Tokyo hy vọng sẽ giành được hợp đồng thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng ở Bangladesh gồm một cầu đường sắt và một đường hầm dưới sông Brahmaputra. Nhật Bản đã bày tỏ sự quan tâm trong việc xây dựng một cảng biển nước sâu ở miền nam Bangladesh mà trước đó Dhaka dự định dành cho Trung Quốc

Mới tuần trước, Nhật Bản đã đón tiếp trọng thị một đối tác quan trọng khác ở Nam Á là Ấn Độ. Trong chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ N. Modi đến Tokyo, hai bên đã nhất trí nâng cấp quan hệ “đối tác toàn cầu chiến lược, đặc biệt” nhằm thắt chặt hợp tác an ninh giữa hai nước. Ai cũng biết đối tác đặc biệt này chính là nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc. 

Với việc Thủ tướng Nhật Bản S. Abe quyết định đi trước một bước so với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người sẽ có chuyến thăm Ấn Độ và Sri Lanka cuối tháng này, chiến lược quyết giành chiếm ảnh hưởng ở Nam Á của Nhật Bản thể hiện ngày càng rõ.